Mùa nước nổi về An Giang thưởng thức đặc sản
Cứ vào mùa nước nổi hằng năm, An Giang lại có thêm nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng. Bởi thế, du khách đến tham quan, du lịch vào mùa này có cơ hội thưởng thức những đặc sản phong phú và hấp dẫn, để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Responsive image
 

Kể đến đầu tiên là nguồn lợi thủy sản dồi dào. Trong con nước từ thượng nguồn đổ về hạ lưu, không chỉ mang theo phù sa đỏ thắm, mà còn vô số cá tôm. Trong đó, tiêu biểu là cá trạch, cá trèn, cá khoai, cá rô mề, cá chốt, cá lăng, tôm, tép, cua, ốc… mà nổi tiếng nhất là cá linh. Tất cả làm nên nền ẩm thực miền Tây mùa nước nổi độc đáo mà dân dã.

Responsive image
 

Cá linh chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, chủ yếu ở hai tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang và Đồng Tháp. Vào đầu mùa, cá linh non có thịt mềm và ngọt. Càng về sau, cá linh xuôi theo con nước và lớn dần. Cá linh được người dân chế biến thành nhiều món ăn như canh chua cá linh, lẩu cá linh, cá linh kho lạt, cá linh chiên bột, mắm cá linh…

Responsive image
 
Responsive image
 

Bông điên điển là đặc sản không thể thiếu vào mùa nước nổi. Dọc theo những mé kinh, bờ sông, con đê… là những hàng bông điên điển trổ vàng. Bông điên điển có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh chua với cá linh, xào với tép đồng, nhân bánh xèo… Những món ăn bình dị ấy khiến bao người con xa xứ và khách du lịch đều nhớ tới khi nhắc về miền Tây mùa nước nổi.

Responsive image
 

Canh chua cá linh bông điên điển là món ăn nổi tiếng. Cái ngon độc đáo của nó là sự kết hợp giữa vị chua của me, vị ngọt của bông điên điển, vị béo của cá linh, mùi thơm của các loại rau… Bên cạnh đó, bông điên điển xào tép là món ăn dân dã, nguyên liệu đơn giản, thời gian chế biến nhanh, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, mang đến hương vị khó quên cho thực khách.

Cùng với bông điên điển, cây bông súng mọc vào mùa nước nổi và vươn theo con nước, tức là nước càng cao thì cọng bông súng càng dài. Thường người dân lấy phần thân bông súng để chế biến các món ăn như canh chua bông súng, gỏi bông súng, bông súng chấm mắm kho…

Responsive image
 

Ngoài ra, cà na cũng là món ăn được nhiều du khách yêu thích khi đến với An Giang. Cây cà na phát triển tốt ở đồng ruộng, bờ sông. Trái cà na chưa chín có màu xanh, đã chín có màu vàng, vị chua, hơi ngọt, hơi chát. Cà na chấm muối ớt là sự lựa chọn hàng đầu của thực khách. Chỉ cần đập hơi dập trái cà na, rồi chấm cùng muối ớt, vị chua chát và cay the hòa quyện nhau làm người ta say mê. Ngoài ra, không thể bỏ qua món cà na ngào đường. Trái cà na khi ngào đường có màu vàng hơi ngã đỏ, ăn vào có vị ngọt và hương thơm nhẹ nhàng.

Mùa nước nổi là thời điểm sông Cửu Long đưa cá tôm về sinh sôi, mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn, giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Cùng với cá tôm, nhiều loại cây trái, rau củ cũng phát triển khi nước về. Bởi thế, người dân vùng sông nước đã sáng tạo nhiều món ăn đặc trưng, gây nhớ thương cho du khách. Mùa nước nổi năm nay, hãy về với An Giang để thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn bạn nhé!

Responsive image
 

 

Triều Phú