Hiện nay, An Giang có khoảng 400 hộ làm nghề thốt nốt, trong đó có khoảng 100 hộ kinh doanh với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc tách vỏ trái thốt nốt được thực hiện hoàn toàn thủ công, dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm của người dân. Ngoài dụng cụ là dao, không có sự hỗ trợ của bất kỳ máy móc cơ khí nào.
Đầu tiên họ gọt vỏ thốt nốt, rồi tách trái thành ba phần (theo cấu trúc của loại trái này), sau đó chặt thêm từ 7 đến 9 nhát dao để lấy múi thốt nốt ra. Cả quá trình, người chặt nhanh nhất là 29 nhát, chậm nhất là 32 nhát. Trung bình một ngày, mỗi hộ dân chặt từ 700 đến 1.000 trái thốt nốt, người chặt nhiều nhất có thể lên đến 500 kg, để bán lẻ tại chỗ và gửi đi các tỉnh thành
Việc chặt thốt nốt tốn nhiều thời gian và công sức, đồng thời đòi hỏi sự khéo léo, vì tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương. Do mang tính thủ công, công việc này có năng suất thấp, năng suất chưa cao, chưa tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Do đó, nhiều thanh niên không mặn mà với nghề này, vì đi làm công nhân có thu nhập cao hơn và công việc nhẹ nhàng hơn. Người bám trụ với nghề chỉ còn phụ nữ, người lớn tuổi…
Nhận thấy sự vất vả của người dân vùng Bảy Núi trong nghề thốt nốt, ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã nung nấu ý tưởng về một thiết bị có thể hỗ trợ con người trong công việc phức tạp này.
Ròng rã nhiều năm trời, ông cùng nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát quy trình chặt thốt nốt tại các cơ sở kinh doanh, tìm hiểu những khó khăn của người dân, lắng nghe tâm tư của họ với nghề. Từ thực tiễn, ông đã mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo máy tách vỏ trái nốt thốt bán tự động.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết: “Đây là quá trình mài mò sáng tạo ra sản phẩm chưa có trên thị trường, chưa thể học tập kinh nghiệm, nên gặp rất nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chưa có nghiên cứu nào về đặt tính của trái thốt nốt, do đó chúng tôi phải nghiên cứu thực nghiệm hoàn toàn trong quá trình chế tạo máy. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi bước đầu tìm ra được quy luật phân bổ múi bên trong trái thốt nốt, từ đó hoàn thiện được máy tách vỏ trái thốt nốt.”
Phần lớn trái thốt nốt có ba múi, kích thước tương đối đều đặn, mỗi múi được bao bọc bởi lớp vỏ lụa riêng biệt. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho thiết bị là định vị chính xác vị trí của từng múi để không tổn hại đến phần thịt trái thốt nốt. Tốc độ và lực cắt của máy cần đủ mạnh để đảm bảo hiệu suất, nhưng không làm dập trái.
Năm 2024, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị tách vỏ trái thốt nốt bán tự động” được đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, do ông Lê Trung Hiếu là chủ nhiệm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư là đơn vị chủ trì. Thiết bị được được triển khai nghiên cứu và phối hợp thực hiện với Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Công ty Cơ khí An Giang, đồng thời có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tài - Trường Cao đẳng Nghề An Giang, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong qua quá trình khảo sát, chế tạo và thử nghiệm, nhóm đã nhiều lần tiến hành thử nghiệm thực tế để đánh giá hiệu quả của thiết bị, thậm chí là thay đổi hướng thực hiện so với ban đầu, nhằm mang lại sản phẩm sát thực tiễn nhất. Cuối cùng, thiết bị đạt tốc độ tách vỏ khoảng 15 trái/phút, vượt dự kiến là 5 trái/phút, nhanh hơn gấp 5 lần so với tốc độ chặt thủ công.”
Cuối tháng 8 vừa qua, đề tài được nghiệm thu, nhận được đánh giá cao từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đề tài. Hội đồng nhận định, thiết bị này giúp nâng cao năng suất, giảm bớt gánh nặng lao động thủ công, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Kỹ sư Lê Thành Nhân - Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang đánh giá cao nỗ lực và tinh thần sáng tạo của nhóm nghiên cứu. Theo ông, thiết bị này không chỉ góp phần giải quyết các khó khăn trong quá trình gọt thốt nốt, mà còn mở ra hướng đi mới trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hội đồng nghiệm thu cũng đề xuất một số ý kiến nhằm tối ưu hóa thiết kế của thiết bị, đồng thời mở rộng phạm vi ứng dụng của máy trong thời gian tới. Sau khi xem xét các báo cáo và thảo luận, hội đồng đã quyết định thông qua đề tài để triển khai ứng dụng thực tế. Dự kiến, thiết bị tách vỏ trái thốt nốt bán tự động được công bố và bàn giao vào cuối tháng 12 năm nay.
An Giang là vùng đất nổi tiếng với trái thốt nốt. Nhiều sản phẩm từ thốt nốt rất đa dạng như nước thốt nốt, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt… An Giang gần như “chiếm lĩnh” thị trường các sản phẩm từ thốt nốt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Phần lớn các sản phẩm từ thốt nốt có mặt trên thị trường hiện nay đều xuất xứ từ tỉnh này.
Năm 2024 vừa qua, tỉnh đón nhận hai sự kiện quan trọng đối với nghề thốt nốt. Một là, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Sự kiện chế biến và công diễn 100 món bánh từ đặc sản thốt nốt với số lượng nhiều nhất Việt Nam. Hai là, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thiết bị tách vỏ trái thốt nốt bán tự động ra đời, hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ hữu ích, mở ra tương lai mới cho nghề thốt nốt vùng Bảy Núi và những người dân chất phát đã gắn bó nhiều thế hệ với nghề này.
Triều Phú