Làng nghề mộc Chợ Mới
Làng nghề mộc tại huyện Chợ Mới nổi tiếng với những sản phẩm nội thất và đồ gia dụng tinh xảo. Các đơn đặt hàng cho bàn ghế, tủ thờ, và đồ trang trí tăng cao, đáp ứng nhu cầu trang hoàng nhà cửa của các gia đình. Các sản phẩm mộc mỹ nghệ được tiêu thụ mạnh trong thời điểm này chủ yếu là: Tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng Phật Di Lặc, tượng Kim Thiền; các loại tranh gỗ biểu tượng thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, long - lân - quy - phụng…Mỗi sản phẩm không chỉ thể hiện tài hoa của người thợ mà còn chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ.
Làng bánh phồng Phú Mỹ
Làng bánh phồng Phú Mỹ đã tồn tại hơn 100 năm với hơn 50 cơ sở làm bánh. Bánh phồng Phú Mỹ được xem là loại bánh truyền thống có hương vị đặc trưng bởi được chế biến từ nguồn nếp do địa phương sản xuất với tên gọi quen thuộc - “nếp Phú Tân”. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác. Ngày Tết, mâm cơm cúng ông bà ở quê thường có dĩa bánh phồng như lễ vật nguồn cội dâng lên tổ tiên. Dĩa bánh luôn được bà con xếp thật to, tròn đầy như sự ước mong một năm mới đủ đầy, viên mãn. Bánh phồng Phú Mỹ không chỉ là một món ăn mà còn là một phần ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Làng nghề đường thốt nốt Tịnh Biên, Tri Tôn
An Giang được biết đến với những cánh đồng thốt nốt mênh mông, nơi tập trung trồng nhiều cây thốt nốt nhất ở An Giang là huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Quy trình sản xuất đường thốt thốt nốt bắt đầu từ việc thu hoạch những cây thốt thốt nốt trưởng thành. Bình quân khoảng 8 - 10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường. Đường thốt nốt từ lâu đã trở thành món quà ý nghĩa của người con An Giang gửi tặng bạn bè, du khách phương xa.
Hiện nay, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn có nhiều sản phẩm khác, như: rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, tranh lá thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt… được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, ngày 21/2/2024, nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Làng khô cá Khánh An
An Giang được xem là nơi sản xuất cá khô, mắm nổi tiếng nhất Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, làng khô cá ở xã Khánh An, huyện An Phú, mỗi năm cung cấp và xuất khẩu hàng trăm tấn khô cá cho thị trường, đặc trưng như khô cá sặc bổi, khô cá lóc, khô cá chạch, khô rắn, khô cá tra phồng... Những ngày cuối năm, không khí tại các cơ sở chế biến càng thêm sôi động. Khô cá Khánh An được yêu thích nhờ hương vị đậm đà, cách chế biến công phu và nguồn nguyên liệu tươi sống. Đây là món quà biếu ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới cũng như là sự lựa chọn của nhiều gia đình sử dụng trong các bữa triệc sum họp.
Có thể nói, các làng nghề truyền thống ở An Giang không chỉ góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa địa phương mà còn là sinh kế chính của hàng ngàn hộ dân. Mỗi làng nghề tại An Giang không chỉ mang đến những sản phẩm phục vụ Tết mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Những người thợ làm nghề bằng tình yêu và niềm đam mê đã và đang góp phần làm nên một An Giang đầy sức sống và tự hào.
Huyền Trâm