Theo xu hướng của du khách hiện nay, bên cạnh các loại hình du lịch đã quen thuộc, loại hình du lịch khảo cổ ngày càng được chú ý, nhất là du khách nước ngoài. Chính vì thế, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đang trở thành một điểm đến hấp dẫn. Đây là cơ hội đưa di tích văn hóa Óc Eo đến với du khách trong và ngoài nước.
Thực tế đã chứng minh, những năm qua di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là điểm đến của nhiều tổ chức, đoàn thể, du khách… Trong đó có nhiều đoàn tham quan là học sinh các trường trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động về nguồn, học tập, tìm hiểu… Năm 2023, khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã đón trên 27.000 lượt khách, đây là con số rất khả quan đối với loại hình du lịch được xem là “khô khan” này.
Năm 2024, di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê tiếp tục đón nhiều đoàn khách. Trong đó nổi bật là Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, Thư viện tỉnh Kiên Giang, Hội Nhà văn TP.HCM, Công đoàn Viên chức tỉnh An Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học An Giang… Về khách nước ngoài có các đoàn khách đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan…
Đến đây, du khách có cơ hội hiểu thêm về quá trình khai quật và bảo tồn khu di tích Óc Eo, tham quan Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, các di tích và di vật minh chứng sinh động cho lịch sử của vương quốc Phù Nam. Hành trình tham quan sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc về lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, ý thức về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa…
Nhìn chung, việc phát triển loại hình du lịch khảo cổ theo khuynh hướng vừa bảo tồn di tích, kết hợp mang đến trải nghiệm cho du khách về văn hóa bản địa là phù hợp với quan điểm du lịch bền vững hiện nay. Để khai thác tiềm năng đó, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu đang tích cực xây dựng các tour du lịch khảo cổ, nhằm mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm những giá trị riêng biệt của nền văn hóa Óc Eo.
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: “Văn hóa Óc Eo không chỉ là di tích, mà còn là điểm đến du lịch khảo cổ đặc sắc, cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện sinh động một nền văn minh cổ xưa từng tồn tại. Do vậy, việc triển khai các giải pháp toàn diện và cụ thể trong chiến lược phát triển du lịch Óc Eo là vô cùng quan trọng, góp phần mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách khi đến với An Giang.”
Theo ông Lê Trung Hiếu nhận định, có năm nhóm giải pháp mà địa phương cần thực hiện để có thể khai thác tối đa tiềm năng du lịch của di tích văn hóa Óc Eo. Đó là đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, tăng cường công tác quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch.
Ngoài khu di tích Óc Eo - Ba Thê, tỉnh An Giang có hàng trăm dấu tích văn hóa Óc Eo phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố. Theo kết quả đợt kiểm kê vào năm 2020, tỉnh đã công bố 84 địa điểm di tích văn hóa Óc Eo, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, tỉnh An Giang đang khẩn trương xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Óc Eo - Ba Thê là Di sản Văn hóa thế giới.
Triều Phú