An Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,5-8,5% trong năm 2024
Tại Kỳ họp thứ 17 (cuối năm 2023), Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X đã thông qua Nghị quyết số 48/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó xác định mục tiêu, chỉ tiêu và một số nhiệm vụ giải pháp cần tập trung sau:

Responsive image
 

Mục tiêu

 

Tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

 

Các chỉ tiêu chủ yếu

 

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7,5 - 8,5%.

- GRDP bình quân đầu người từ 70,27 - 70,88 triệu đồng/người/năm.

- Tổng vốn đầu tư xã hội là 47.867 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu là 1.185 triệu USD.

- Thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%.

- Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 53,97%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 71,3%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1%.

- Số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 10,68 bác sĩ/01 vạn dân.

- Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 28 giường/01 vạn dân.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%.

- Có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%.

- Tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 75%.

 

Một số nhiệm vụ giải pháp cần tập trung

 

- Tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động và Nghị quyết của Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình hành động về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang. Tham gia vào Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp cho các sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân. 

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở cân bằng giữa hoạt động khai thác, phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động du lịch.

- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

- Phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận chuẩn quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tăng cường các hoạt động đào tạo và thực hiện tốt các cơ chế chính sách trong thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ y tế để đảm bảo về số lượng và chất lượng theo quy hoạch phát triển ngành, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người có công cách mạng. 

- Giải quyết nhanh, kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tổ chức gặp gỡ công dân định kỳ để lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân từ đó hạn chế những vụ khiếu kiện đông người. Tăng cường công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt quy chế phối hợp và quy chế dân chủ cơ sở với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

- Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trấn áp các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, buôn lậu qua biên giới, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy.

 

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

B.P