Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và nhân dân An Giang cùng cả nước quyết tâm học tập tấm gương đồng chí Tôn Đức Thắng
Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào, hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.

Responsive image
 

An Giang tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hơn 93 năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta. Đặc biệt, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ và ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ và Nhân dân An Giang đã không ngừng vận dụng và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một tỉnh thiếu lương thực trong những năm đầu sau giải phóng, đến nay An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang quyết tâm trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 22/4/2022 của Bộ Chính trị. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. An ninh quốc phòng được bảo đảm, biên giới ổn định, hữu nghị, thân thiện. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng và phát huy.

 

Những thành tựu nổi bật nói trên có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kết tinh công sức, trí tuệ của Đảng bộ và Nhân dân An Giang. Trên cơ sở phân tích những cơ hội, thách thức, đánh giá đúng điều kiện cụ thể của địa phương trong tổng thể phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”. Đại hội đã đề ra 5 quan điểm phát triển, 3 khâu đột phá, 16 chỉ tiêu chủ yếu, 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

 

Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh trải qua nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, nhất là đại dịch COVID-19, gây ra những thách thức vô cùng to lớn trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở,.. cũng diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều khó khăn đối với sự phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội, đạt nhiều kết quả quan trọng.

 

 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Mặc dù tình hình đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề đến tất cả các lĩnh vực của tỉnh, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh An Giang cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 chỉ đạt 0,95%, song An Giang vẫn là một trong số các tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng dương. Đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,87%. 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,5%, dự báo năm 2023 ước đạt 7,5%. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 5,08%, trong đó khu vực I tăng trưởng 2,55%, khu vực II tăng trưởng 8,51% và khu vực III tăng trưởng 6,38%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,56%.

 

Responsive image
 

 

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng giảm; khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng dần qua các năm. Năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,93%; khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 45,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,54%. Dự báo đến cuối năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 33,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 16,90%; khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 45,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,41%. GRDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm, năm 2021 đạt 48,905 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt 53,907 triệu đồng/người/năm, năm 2023 ước đạt 61 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn giai đoạn  2021 - 2023 ước đạt 22.055 tỷ đồng, đạt 112% dự toán và đạt 53% so chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 46.942 tỷ đồng, đạt 94% dự toán giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 03 năm 2021 - 2023 ước đạt 98.168 tỷ đồng, đạt 60% so Nghị quyết. Kim ngạch xuất khẩu 03 năm 2021 - 2023 ước đạt 3.470,6 tỷ USD, đạt 66% so với Nghị quyết.

 

 

Việc thực hiện các khâu đột phá đạt bước tiến mới. Trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được tỉnh xác định là trọng điểm trong đầu tư xây dựng, được ưu tiên phân bổ nguồn lực, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, An Giang tập trung nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các dự án Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh thành phố Long Xuyên; nâng cấp tải trọng 04 cầu yếu trên Quốc lộ 91; Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; nâng cấp các đường liên tỉnh kết nối An Giang với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 941, 949, 943, 955B, 946,… Bên cạnh đó, An Giang chủ trương xã hội hóa các cầu giao thông nông thôn theo Đề án số 426. Qua 03 năm đã huy động được 129 tỷ đồng, thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng 102 cầu giao thông nông thôn, vượt 79 cầu so với kế hoạch đề ra. Qua đó góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải và đời sống sinh hoạt của người dân.

 

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2023, dự kiến trên toàn tỉnh có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 69,1%; tổng số xã nông thôn mới nâng cao là 29 xã; toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và huyện Thoại Sơn).

 

Responsive image
 

 

Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Tỉnh luôn quan tâm công tác hỗ trợ người nghèo, người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công, đối tượng chính sách. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch COVID-19,  truyền  thống  anh  hùng,  yêu  nước, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của Nhân dân phát huy mạnh mẽ, được nâng lên một tầm cao mới.

 

 

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn hóa luôn được tỉnh xác định là một trong những “trụ cột” phát triển; các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người An Giang phát triển toàn diện. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình văn hóa, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của người dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số, trùng tu và bảo vệ di tích; công tác quản lý văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, giao lưu văn hóa có nhiều khởi sắc. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, nổi bật là tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022).

 

 

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Các cấp, các ngành tập trung triển khai Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tăng cường đầu tư gắn với quy hoạch, xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ. Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên; hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh truyền thông, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh trong vùng tôn giáo, dân tộc được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng- an ninh ở tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

 

Công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trở thành việc làm thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn gắn liền với học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”, Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 12/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh”... được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, bài bản, có hệ thống, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

 

Responsive image
 

 

B.P