Lịch sử ghi nhận dưới triều vua Minh Mạng, vào mùng 1 tháng 10 âm lịch năm Nhâm Thìn, tỉnh An Giang chính thức được thành lập. Đối chiếu theo dương lịch, đó là ngày 22 tháng 11 năm 1832, đến nay vừa tròn 192 năm. Đặc biệt từ năm 2022, nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận ngày 22 tháng 11 hằng năm là Ngày Truyền thống tỉnh An Giang.
Với bề dày 192 năm xây dựng và phát triển, An Giang đã gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc, từ những ngày đầu mở đất, quân và dân An Giang là ngọn cờ tiên phong chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi miền biên viễn, lập nhiều chiến tích hào hùng, rạng danh xứ sở. Trong đời sống kinh tế, người An Giang từ xưa đến nay luôn cần cù trong lao động, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám vượt qua mọi khó khăn, thể hiện ý khí vươn lên mạnh mẽ. Trong đời sống văn hóa, cộng đồng các dân tộc đã chung tay xây đắp, gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa đặc trưng, làm nên một An Giang lung linh sắc màu ở Tây Nam Bộ.
Đặc biệt, sau gần 50 năm thống nhất đất nước (1975) và gần 40 năm đổi mới (1986), tỉnh An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, khẳng định được vị thế trong dòng chảy phát triển chung của đất nước. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản lượng. Cùng với đó, tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, mạng lưới giáo dục và y tế phủ rộng, bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao…
Trong 10 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần hoàn thành các mục tiêu của năm 2024. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,02%, doanh thu bán buôn hàng hóa ước tăng 16,37%, tổng kim ngạch xuất nhập ước tăng 6,51%…
Vừa qua, tỉnh An Giang đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) và tưởng niệm 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024). Sắp tới, nhằm chào mừng 192 năm thành lập tỉnh, An Giang sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11, Diễn đàn Mekong Connect tại TP. Long Xuyên vào tháng 12.
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục khai thác mạnh mẽ lợi thế của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước vào năm 2025, vượt mức trung bình cả nước vào năm 2030.
Nhìn lại chặng đường 192 xây dựng và phát triển, người An Giang luôn tự hào về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời và ghi ơn những thế hệ tiền nhân đổ máu xương để khai khẩn và bảo vệ quê hương. Ngày Truyền thống tỉnh An Giang 22/11 hằng năm là dịp để các thế hệ người dân tỉnh nhà ôn lại bài học vẻ vang về đất và người An Giang; quyết tâm nỗ lực trong học tập, lao động, chiến đấu để xây đắp quê hương ngày càng giàu đẹp.
Triều Phú