Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tham dự Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Sáng ngày 01/08/2022 tại TP Cần Thơ. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Responsive image
 

Đến dự có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; cùng lãnh đạo các các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp”, Báo cáo kinh tế lần này được thực hiện như một công trình nghiên cứu phục vụ mục tiêu tham mưu trong xây dựng các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, đồng thời cũng là tư liệu tham khảo của giới chuyên gia và các chuyên và các doanh nghiệp về đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng trù phú, rộng lớn trên 40.000 km2 với 17,5 triệu dân, có vị trí chiến lược và tiềm năng, lợi thế tuyệt đối về kinh tế nông nghiệp. Hằng năm, đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra 50 % sản lượng lúa gạo cả nước, chiếm 95% xuất khẩu gạo của Việt Nam, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp gần 20% GDP của cả nước, là vùng có tỷ trọng nông nghiệp lớn chiếm tới 37% GRDP trong cấu trúc kinh tế vùng. Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế, suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2030 đối với đồng bằng sông Cửu Long là phải trở thành vùng sinh thái văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Báo cáo được thực hiện trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến lựa chọn mô hình tăng trưởng. Cùng với đó, quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh thành đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại, chiến lược phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh cho phù hợp với quy hoạch của vùng, với Nghị quyết 13 và với thực tiễn của địa phương, phải cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung và liên kết vùng. Do vậy, báo cáo này sẽ là một tài liệu tham vấn hữu ích từ Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, VCCI muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.

VCCI khuyến nghị đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung chuyển đổi nông nghiệp. Chuyển đổi nông nghiệp phải là một ưu tiên và quan tâm hàng đầu trong khu vực. Nội hàm của chuyển đổi nông nghiệp rất rộng lớn, trong đó cần lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phân khúc giá trị cao, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cách thức chế biến, lưu thông, phân phối ra thị trường. Cần đổi mới tư duy và phá vỡ các vòng xoáy đi xuống ở ba lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thực hiện chuyển đổi nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền cấp Trung ương cũng như địa phương cần đầu tư để gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông và Logistics đang cản trở sự phát triển của mọi ngành kinh tế trong vùng.
Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm nay được nhóm nghiên cứu tập trung phân tích những nguy cơ, thách thức của vùng, các tác động từ quy hoạch đến gợi ý mô hình phát triển mới sát với bối cảnh và các nội dung của quy hoạch vùng để cùng với các địa phương hoàn thiện quy hoạch chi tiết và thiết lập các chính sách phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Quốc Duy