Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu.
Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, chiếm hơn 60%; tiếp đến là thị trường châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Nhiều loại gạo thơm của Việt Nam đã xuất khẩu được đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore…
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cái khó hiện nay là do bà con trồng nhiều giống lúa thơm khác nhau nên khi thu hoạch không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn. Để đáp ứng các đơn hàng lớn, các doanh nghiệp phải đi mua gom các giống lúa thơm khác nhau trộn lại, dẫn đến chất lượng không đồng nhất, làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Điều này cũng khiến việc xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế tình trạng này, trong 5 năm qua, giữa nhà khoa học, nhà xuất khẩu và nhà nông đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường mà các doanh nghiệp cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với bao tiêu cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng này hiện nay chưa nhiều.
Yêu cầu tăng diện tích, sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao còn đến từ áp lực diện tích trồng lúa có thể giảm mạnh và chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến đến các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á; tiếp đó là khu vực thị trường châu Âu, Nga...
(Theo Chinhphu.vn)