Mekong Connect 2024: Hội thảo phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới
Chiều ngày 17/12/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã diễn ra Hội thảo Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới. Đến dự Hội thảo có ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương; Ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam; Cùng các chuyên gia, diễn giả, đại diện các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Responsive image
 

Phát biểu khai mạc, Ông Lê Văn Phước cho biết: Tỉnh An Giang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài lúa gạo, tỉnh An Giang sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, rau màu và cây ăn trái cùng nhóm ngành hàng tiềm năng là chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm với định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà lãnh đạo đến từ các tỉnh thành và TP.HCM đã thảo luận sâu về các giải pháp phát triển bền vững thông qua khai thác tài nguyên bản địa và gia tăng giá trị kinh tế vùng. Trong đó, có hai công trình kết nối Mekong Connect trong năm 2024: một là Đưa loại cây chống biến đổi khí hậu vào chuỗi giá trị kinh tế (hoạt động hợp tác giữa Hiệp hội HAWA TP.HCM và chuyên gia Đại học Cần Thơ) do Ông Trần Lam Sơn, UV BCH Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thiên Minh Furniture trình bày. Hai là Công trình hợp tác canh tác giữa DN TP.HCM và chuyên gia kỹ thuật, công bố bộ tài liệu số Hướng dẫn miễn phí nông dân ĐBSCL trồng sầu riêng theo mô hình nông nghiệp bền vững với sự đồng hành của nông dân Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh của Chuyên gia Huỳnh Quới.

 

 

Cỏ năng tượng là loài cỏ sinh trưởng mạnh trên vùng nước nhiễm mặn, không chỉ góp phần cải tạo môi trường mà còn là nguồn sinh kế cho hàng ngàn hộ lao động. Với sự kết hợp bài bản giữa các nghiên cứu khoa học và công tác phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, năn tượng hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nguyên liệu mang tính bứt phá cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Theo ông Trần Lam Sơn: Cỏ năng tượng ở Đồng bằng Sông Cửu Long có quy mô tiềm năng đến 1,8 triệu ha, có thể cung ứng 10 triệu tấn/năm làm nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ với trị giá hơn 9 tỷ USD.

 

 

Còn theo Chuyên gia Huỳnh Quới: Sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân ĐBSCL và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sử dụng đất không bền vững, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa phù hợp là những thách thức cần giải quyết. Trồng sầu riêng bền vững giúp tăng năng suất, bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn lợi cho thế hệ tương lai. Vì vậy người nông dân cần áp dụng phương pháp trồng sầu riêng khoa học, bảo vệ đất đai và nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào chuỗi giá trị sầu riêng bền vững, giúp ĐBSCL trở thành trung tâm xuất khẩu sầu riêng hàng đầu.

 

 

Hội thảo Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới cũng là cơ hội tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác thiết thực giữa tỉnh An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường./.

 

 

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

B.P