Triển vọng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc
Trung Quốc luôn là thị trường lớn và trọng điểm của nông sản Việt Nam, có kim ngạch tăng trưởng bình quân đạt trên 30%/năm trong giai đoạn 2011 – 2016, chiếm tỷ trọng 25 – 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Gạo

Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, chủ yếu là gia tăng xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này. Thống kê cho thấy, hiện gạo nếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 52,97% tổng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này, đồng thời chiếm tới 93,72% tổng xuất khẩu gạo nếp của cả nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, An Giang có 02 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đạt 8.374 nghìn USD và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đạt 3.752 nghìn USD.

Trước thực trạng nhập khẩu gạo nếp của Trung Quốc gia tăng, nhiều người dân đã chuyển sang trồng lúa nếp, diện tích gieo trồng tăng đột biến. Theo Cục trồng trọt, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, diện tích trồng lúa nếp đã tăng lên gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 223.000ha chiếm 14,5% diện tích gieo trồng, thậm chí một số tỉnh như: An Giang, Long An tỷ lệ gieo trồng lúa nếp lên đến 25 – 30%.

Mặc dù có giá bán và xuất khẩu tốt nhưng nếu Trung Quốc đột ngột thay đổi chiến lược nhập khẩu sẽ gây khó khăn lớn đến việc tiêu thụ lúa nếp. Do đó, việc gia tăng diện tích trồng lúa nếp của người dân đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hơn nữa còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gia tới.

Để hạn chế diện tích trồng lúa nếp gia tăng ồ ạt, các doanh nghiệp cần công bố sản lượng mua hàng năm vào đầu vụ để nông dân biết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cần theo dõi chặt chẽ và khuyến cáo nông dân kịp thời trước những diễn biến của thị trường.

Về dài hạn, để tạo bền vững trong xuất khẩu gạo, Việt Nam cần quy hoạch và mở rộng sản xuất lúa gạo có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo riêng, bởi nhu cầu thị trường đang có sự thay đổi. Ngay thị trường Trung Quốc, do thu nhập tăng, người tiêu dùng Trung Quốc đang có nhu cầu cao hơn đối với các loại gạo chất lượng cao. Lúa gạo chất lượng cao cũng là ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp năm 2017 của Chính phủ Trung Quốc. Với định hướng này, ngay tại Trung Quốc, một số khu vực sản xuất lúa gạo lớn đã lên kế hoạch sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên diện rộng.

Hàng rau quả

Đối với hàng rau quả xuất khẩu, nhóm trái cây tươi là nhóm hàng đứng đầu về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017, đạt 1,16 tỷ USD tăng 58,9% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm 92,8% tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường này. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Thanh Long tăng mạnh nhất 43,2%, tiếp theo sầu riêng tăng 12,1%.

Trong thời gian tới, xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc như thanh long, dưa hấu, chuối,… có khả năng sẽ chửng lại do nguồn cung các mặt hàng của nước này khá dồi dào, thời tiết thuận lợi một số mặt hàng như dưa hấu có sản lượng khá lớn. Bên cạnh đó Trung Quốc còn mở rộng nguồn cung bằng cách thuê đất của các nước láng giềng trong khu vực để trồng rau quả.

Theo VITIC