Tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 7/20107
Theo thống kê, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 7/2017 đạt 180 nghìn tấn với kim ngạch đạt 760 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến hết tháng 7/2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng 10% về lượng và 18% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,09 triệu tấn với kim ngạch đạt 4,36 tỷ USD, với sự tăng trưởng của các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Mexico, Đài Loan, Israel, Chi Lê, Nam Phi, Pakistan…

 
 

Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thị trường Mỹ sẽ khó có thể phục hồi nhập khẩu cá da trơn trong bối cảnh thuế chống bán phá giá cao, chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017 bởi chính quyền Mỹ sẽ tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ.

Cục kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo đã đưa ra thời hạn thanh tra bắt buộc đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes từ ngày 2/8/2017. Trước đó, để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, các nhà xuất khẩu cá tra/basa của Việt Nam phải chứng minh được quy trình nuôi và chế biến đạt tiêu chuẩn tương đương quy trình nuôi tại Mỹ trước ngày 1/9/2017. Trong thông báo nộp cho Cục đăng ký Liên Bang, FSIS cho biết, các cuộc thanh tra cá tra nhập khẩu sẽ diễn ra từ ngày 2/8/2017. Từ ngày này, tất cả cá lô hàng cá thuộc Bộ Silurifornes nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chính thức được thanh tra tại cơ quan kiểm định nhập khẩu và được nhân viên FSIS thanh tra lại. Một số nhà nhập khẩu cá da trơn Mỹ cho biết, tác động của sự thay đổi này rất khó tiên đoán. Thị trường sẽ ngày một áp lực hơn vì chỗi cung ứng bị ảnh hưởng do chính sách của Chính phủ thay đổi, Bộ Nông nghiệp Mỹ phải cắt giảm 5.300 việc làm vì chính phủ cắt giảm ngân sách. Hầu hết cá nhà nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. USDA chưa có định hướng và cung cấp thông tin rõ ràng về thị trường cá tra Mỹ

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của EU chưa phục hồi, cá tra Việt Nam lại bị áp lực bôi nhọ bởi truyền thông Tây Ban Nha, do vậy để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tới một số quốc gia thành viên EU thì các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân thủ quy định chung của EU phải đáp ứng một số yêu cầu riêng của các quốc gia này và thường là khắt khe hơn so với yêu cầu chung của EU.

Xuất khẩu thủy sản tới Nhật Bản tăng mạnh do sự tăng giá của đồng yên Nhật. Xuất khẩu thủy sản của Việt nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt với sự gia tăng dân số và gia tăng thu nhập của Trung Quốc. Hơn nữa với yêu cầu không cao khiến Trung Quốc trở thành một thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hàn Quốc tiếp tục tăng do tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực được thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Nhu cầu xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại khu vực ASEAN tiếp tục tăng vì đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu của người dân ASEAN.

YN