Làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ về việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Ngày 01/11/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng và đoàn lãnh đạo các sở ngành tỉnh đã có buổi làm việc với VCCI Cần Thơ tại Cần Thơ về việc triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trao đổi, đánh giá những nội dung thỏa thuận đã ký kết tại “Bản Cam kết giữa Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm và đề xuất bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu quả của bản cam kết này.

Responsive image

Quan điểm của tỉnh xem cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Ban Hỗ trợ doanh nghiệp cấp tỉnh được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ: (1) Thừa lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh điều phối các sở, ngành và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận dự án đầu tư, cơ chế chính sách và quy định của Nhà nước; (2) Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp xúc và tổ chức triển khai dự án của nhà đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; (3) Thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh An Giang và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch. Cấp huyện cũng đã thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

Đặc biệt, hầu hết các nội dung cam kết cơ bản và cam kết về đơn giản hóa thủ tục hành chính giữa tỉnh với VCCI trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ đều đã được triển khai như: Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn 01 ngày làm việc; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh còn 16 ngày làm  việc (quy định là 35 ngày); điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư còn 12 ngày làm việc; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư 01 ngày làm việc, 05 ngày làm việc đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư (quy định 15 ngày). Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất xuống còn 23 ngày (trường hợp phải trích đo khu đất thì thời gian tăng thêm 05 ngày; trường thợp phải thuê đất, ký hợp đồng thuê đất thì thời gian tăng thêm 03 ngày; trường hợp phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất thì thời gian tăng thêm 15 ngày).

Với tinh thần chỉ đạo trên, một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016 đạt được những kết quả như sau:

Ước tăng trưởng GRDP đạt 5,25% so cùng kỳ 2015 (cùng kỳ là 5,40%). Trong đó, khu vực I tăng 0,58% (cùng kỳ tăng 1,18%); khu vực II tăng 8,12%, (cùng kỳ tăng 7,06%); khu vực III tăng 8,80% (cùng kỳ tăng 8,85%)

Về cơ cấu kinh tế tiếp tục theo hướng tích cực, trong đó: Khu vực I chiếm 36,69%; khu vực II chiếm 12,33%; khu vực III chiếm 49,46%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 62.785 tỷ đồng, tăng khoảng 12,70% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 536 triệu USD; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước 26,9 triệu USD, tăng 2,2%; kinh tế tư nhân đạt 491 triệu USD, giảm 12,28%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,1 triệu USD, giảm 3,45%. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn là 3.881 tỷ đồng, đạt 86,7% so dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Số dư vốn huy động là 35.497 tỷ đồng, so với 31/12/2015 tăng 18,27%. Tổng dư nợ là 53.948 tỷ đồng, so với 31/12/2015 tăng 4,57%, trong đó, nợ xấu 1.453 tỷ đồng, chiếm 2,69%/tổng dư nợ và giảm 458 tỷ với 31/12/2015.

Tình hình phát triển doanh nghiệp: Có 431 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.776 tỷ đồng, so cùng kỳ số lượng doanh nghiệp tương đương, nhưng về vốn tăng 5,84% (# 98 tỷ đồng). Cũng trong thời gian này, số doanh nghiệp giải thể là 97 doanh nghiệp, giảm 11,01% (-12 DN), số đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động là 83 ĐVTT, giảm 11,7 % (11 ĐVTT) so với cùng kỳ.

Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5.106 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 43.363 tỷ đồng, giải quyết cho 62.872 lao động. (Số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động và có thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước đến ngày 31/8/2016 là 3.822 doanh nghiệp).

Tình hình thu hút đầu tư: quyết định chủ trương đầu tư cho 49 dự án với tổng vốn đầu tư 13.815 tỷ đồng. So cùng kỳ số dự án tăng 27 dự án, tổng vốn đầu tư tăng 3,6 lần (+ 9.989 tỷ). Đầu tư nước ngoài, cấp mới 01 dự án và 01 dự án điều chỉnh với vốn tăng thêm 15.000.000 USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 213.459.980 USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là 76.153.937 USD.

Sau khi Ban Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập đi vào hoạt, bước đầu mang lại hiệu quả cao; thành viên Ban hỗ trợ doanh nghiệp tham dự “Cà phê doanh nhân” được tổ chức vào ngày thứ sáu hàng tuần để gặp gỡ, nghe các doanh nghiệp chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nắm bắt thông tin tình hình hoạt động doanh nghiệp để nghiên cứu giải pháp chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Kết quả, đã tiếp nhận 111 lượt doanh nghiệp đăng ký làm việc, Ban Hỗ trợ doanh nghiệp đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời 100% kiến nghị của doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện việc giám sát và công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ liên quan trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Báo An Giang, qua 03 tháng thực hiện, 8 đơn vị thí điểm thực hiện đã tiếp nhận 7.150 hồ sơ của doanh nghiệp, đã xử lý đúng hạn 6.633 hồ sơ (đạt 99,93%) và 4 hồ sơ trễ hạn (đạt 0,07%), còn lại 513 hồ sơ còn trong thời gian giải quyết (chiếm 7,2% trong tổng số hồ sơ đã nhận).

Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với phương châm chỉ đạo “từ dưới lên”, “đi vào tận gốc vấn đề cản trở doanh nghiệp phát triển”, bao gồm: Cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông, thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành,... Qua đó, quán triệt tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp đến tất cả các cán bộ của các ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động, sản xuất kinh doanh doanh nghiệp, từ đó nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện trong năm 2016:

Một là, Triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm nâng cao vai trò, tránh nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu của cơ quan, đơn vị.

Hai là, Phối hợp cơ quan Báo, Đài quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động của tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cam kết với Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Ba là, Phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá công tác quản lý, điều hành của cấp tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Bốn là, Tổ chức thực hiện việc giám sát và công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ liên quan trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Báo An Giang ở tất cả các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, các Phòng, ban chuyên môn cấp huyện từ ngày 05/01/2017.

 

Liên Khương