TRẢI NGHIỆM ĐỜN CA TÀI TỬ BẠC LIÊU
Tương tự các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là vùng đất mới khai phá khoảng 300 năm. Tuy nhiên, nơi đây đã sớm có sự hiện diện của nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Khmer chung tay khai phá, xây dựng, phát triển. Trong quá trình đó, nhiều di sản văn hóa giá trị đã tạo nên dấu ấn riêng cho Bạc Liêu, điển hình là đờn ca tài tử.

Responsive image
 

Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, hình thành trên vùng đất phương Nam. Đờn ca tài tử Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ nhạc lễ Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, các làn điệu âm nhạc dân gian… Ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào

 

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật bao gồm hai bộ phận chính là đờn và ca. Nhạc cụ chủ đạo của đờn ca tài tử là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Về sau, các nghệ nhân cách tân bằng cách bổ sung đàn guitar phím lõm. Người tham gia là những người bình dân, lao động, thanh niên nam nữ ở nông thôn.

 

Dù đờn ca tài tử có phạm vi ở 21 tỉnh thành, nhưng Bạc Liêu vẫn được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Năm 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang”, trở thành bước ngoặc mới cho đờn ca tài tử, góp phần định hình hai thể loại ra đời sau đó là vọng cổ và cải lương.

 

Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử với trên 500 nghệ nhân tham gia, trong đó có 22 nghệ nhận được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2014, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần đầu tiên được tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức.

 

Đến với “Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022”, những người đam mê đờn ca tài tử sẽ có dịp thưởng thức những làn điệu mượt mà từ các nghệ nhân đến từ tỉnh Bạc Liêu. Ngày hội diễn ra tại Quảng trường phường Châu Phú A, thành phố châu Đốc, tỉnh An Giang từ ngày 20 đến ngày 24/4/2022.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Triều Phú