TIỀM NĂNG CỦA DU LỊCH VĂN HÓA CHĂM
An Giang là một trong những tỉnh của Đồng bằng Sông Cửu Long có đông dân tộc cùng sinh sống, trong đó có bốn dân tộc đông dân số, gồm: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Tỉnh An Giang có 8 xóm Chăm, với tổng số hơn 17.500 người. Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang chủ yếu theo đạo Hồi giáo Islam, sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường, nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là Di sản quốc gia.

Responsive image
 

Nằm bên dòng ngã ba sông Châu Đốc, làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú) và làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) đã được ngành du lịch An Giang tập trung khai thác các sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách gần xa.

Vừa qua, tháng 01/2024 sự kiện ra mắt Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc đã trở thành điểm nhấn thu hút nhiều sự quan tâm của du khách khi đến An Giang. Đồng thời Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc nằm trên tuyến tham quan trải dài đến làng Chăm, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm: đi ghe, chèo sup tham quan làng bè, tham quan làng Chăm Châu Phong, nghề dệt thổ cẩm, thánh đường Hồi giáo…

Đến đây, ngoài những hoạt động tham quan và trải nghiêm du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản của đồng bào Chăm như: bánh Ha-gram, Ha-sayka, cà-ri, Tung lò mò….

Sở hữu những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, đời sống văn hóa đồng bào Chăm mang đặc điểm tôn giáo thông qua các lễ hội truyền thống, như: Tết Haji, lễ Asura, lễ Tahplah, lễ Moulod…đặc biệt là Tháng Ramadan (tháng nhịn ăn).

Năm nay, Tháng Ramadan Hồi lịch 1445 - Dương lịch 2024 diễn ra từ ngày 11/3 và kết thúc vào ngày 10/4/2024. Đối với đồng bào Chăm, Ramadan là nghi lễ linh thiêng, là sự kiện quan trọng, nên dù làm ăn buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình. Trong suốt tháng này, các tín đồ từ 15 tuổi trở lên duy trì việc không ăn, uống, từ lúc bình minh tới khi mặt trời lặn. Ramadan được xem là thời điểm linh thiêng nhất trong năm của người Hồi giáo. Nhịn ăn và uống là cách để người Hồi giáo rèn luyện bản thân, tăng cường tình yêu thương với những người nghèo khó và rèn luyện khả năng tiết chế những cám dỗ vật chất…

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư nhận định: “Cùng với giá trị tâm linh và phong cảnh hữu tình, An Giang còn sở hữu nền văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Trong đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang với hoạt động tín ngưỡng và đời sống văn hóa độc đáo là tiềm năng lý tưởng để khai thác du lịch”.

Nhìn chung, từ những giá trị văn hóa trên, có thể thấy sức hút nhất định của hoạt động du lịch văn hóa Chăm đối với du khách. Vì vậy, ngành chuyên môn và địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để du lịch văn hóa Chăm phát triển, nhằm đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến An Giang, khẳng định tiềm năng, vị thế của vùng đất đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

 Huyền Trâm