Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi
Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông - Châu Phi luôn giữ đà tăng trưởng ổn định nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam chưa khai thác được tối đa tiềm năng hợp tác kinh doanh với khối thị trường này. Đồng thời, hàng Việt Nam còn yếu thế cạnh tranh hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Đây là nhận xét chung của các đại biểu tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội.

Đa dạng tiềm năng và cơ hội

Trung Đông - Châu Phi là khu vực có diện tích rộng trên 36 triệu km2 với dân số gần 1,5 tỷ người, có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng thủy sản, sản phẩm dệt may, giầy dép, và những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Do đó, đây được coi như khối thị trường đầy tiềm năng và đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những thị trường trọng điểm ở khu vực này đối với xuất khẩu của Việt Nam bao gồm: Ai Cập, An-giê-ri, Ma-rốc, Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Ni-giê-ri-a, Ga-na, Bờ Biển Ngà, Xê-nê-gan, Tan-da-ni-a, Kê-ni-a, Êthiôpia và Ca-mơ-run. Đây là những thị trường có dân số đông, GDP lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, trao đổi thương mại với Việt Nam tăng mạnh thời gian qua, đồng thời có vị trí địa-chính trị chiến lược, là cửa ngõ trong khu vực.

Đối với khối thị trường Trung Đông, ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á - Bộ Công Thương đánh giá, nhiều nước thuộc khu vực này có sức mua lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, dây cáp điện… và có khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nơi áp dụng thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông đối với xuất khẩu của Việt Nam gồm UAE, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, I-xra-en, I-ran và I-rắc.

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Để tận dụng hiệu quả những tiềm năng và cơ hội thị trường, đồng thời đối phó với các rủi ro, thách thức, các diễn giả tại hội thảo đều chung quan điểm rằng các doanh nghiệp cần chú trọng việc cải thiện và phát triển các kênh phân phối; tích cực tham gia và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành; tận dụng tốt ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA); xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp; sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách và mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thị hiếu và tập quán tiêu dùng của các nước;xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường; giữ liên hệ với hệ thống Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại khu vực để được tư vấn thông tin và giới thiệu đối tác.

Đối với những doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào thị trường quốc tế, khi lên kế hoạch cho chiến lược phát triển các nhãn hiệu quốc tế của mình cần phải đăng ký thương hiệu ở trong nước và đặc biệt ở nước ngoài, khi đã có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm lẫn thương hiệu cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông - Châu Phi sẽ mở rộng hơn rất nhiều.

 Việc này không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước mà hình ảnh về thương hiệu “made in Vietnam” cũng sẽ được cải thiện. Uy tín từ thị trường này sẽ là bước đệm quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường lân cận như Châu Âu và các thị trường lớn khác.

Khuyến nghị: hiện nay các doanh nghiệp Châu Phi hay đề nghị phương thức thanh toán là D/P chuyển tiền đặt cọc trước, ít sử dụng L/C, đây là phương thức thanh toán khá rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán bằng Thư tín dụng L/C hoặc Thư tín dụng trả ngay (Irrevocable L/C at sight).

Theo vietrade.gov.vn