NẾM VỊ NGỌT, BÉO, GIÒN TAN CỦA BÁNH GỪNG TẠI HỘI THI BÁNH DÂN GIAN NAM BỘ NĂM 2024
Bánh gừng là loại bánh truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, bánh được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, đám hỏi, đám cưới… Đặc biệt, bánh gừng còn là món đãi khách nhâm nhi lúc chuyện trò trong những ngày tết Nguyên đán.

Responsive image
 

Bánh gừng theo cách gọi của người Khmer là Num-Khơ-Nhây. Bánh có rất nhiều nhánh nhìn giống như củ gừng, đại diện cho sự gắn bó bền chặt và sinh sôi nảy nở. Trong dịp tết, đó sẽ là lời chúc cho con cháu sung túc và đầm ấm hơn. Khâu tạo hình cho bánh là khâu khó nhất và đòi hỏi sự tỉ mẩn. Khâu tạo hình này chiếm một nửa thời gian làm bánh.

Để có được chiếc bánh thơm ngon, béo, giòn tan trong miệng, người làm bánh thường chọn loại nếp trắng đục, hạt to đều, đem vo thật sạch, để ráo nước cho vào cối xay thật nhuyễn rồi sấy khô. Sau đó, lấy lòng trắng trứng vịt đánh nổi (không dùng lòng đỏ vì sẽ làm sậm màu), rồi cho bột nang mực có pha chút chanh vào quậy đến sền sệt, sau đó nắn thành hình củ gừng. Chiên bánh gừng trên lửa nhỏ, sau đó ngào với nước đường cát hoặc đường thốt nốt đã được thắng sền sệt, tạo thành một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng để bánh trơn, láng bóng không bị cong vênh. Bí quyết của cách làm bánh này là 1 kg bột nếp, 25 quả trứng vịt, đúng liều lượng thì bánh mới nổi đều. Khi chiên phải lẹ tay lật bánh qua lại, nếu bột nếp phơi không khô, giã không nhuyễn, bánh sẽ chai.

Thành phẩm chiếc bánh gừng thơm mùi trứng, béo và bùi, vỏ ngoài giòn rụm, bên trong mềm mại, hương vị lại ngọt thanh, rất dễ ăn nên được nhiều thực khách yêu thích.

Tham gia Hội thi bánh dân gian năm 2024 lần này, tỉnh An Giang đăng ký tham gia món bánh gừng của nghệ nhân Phol Sa Rếth – nghệ nhân người đồng bào Khmer có nhiều năm gắn bó và tâm huyết với món bánh truyền thống này. Hội thi được khai mạc vài ngày 17/4/2024 tại Quảng trường quận Bình Thủy. Hội thi quy tụ 36 đơn vị dự thi, 57 món bánh với 125 nghệ nhân từ các tỉnh, thành.

Có thể nói, dù cuộc sống có hiện đại nhưng món bánh gừng vẫn giữ một chỗ đứng nhất định trong đời sống của đồng bào Khmer. Là chiếc bánh mang ý nghĩa về sự gắn kết, thủy chung, sự sinh sôi nảy nở. Bánh gừng là một phần trong phong tục văn hóa người Khmer. Hiện nay vẫn có những nghệ nhân tâm huyết với nghề làm bánh gừng, vẫn giữ nguyên những giá trị tinh thần vốn có, như một cách giữ gìn nét văn hóa truyền thống.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Huyền Trâm