CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN “GHÉ THĂM” TÂY NAM BỘ
Tây Nguyên là cao nguyên nằm ở phía Tây của miền Trung nước ta. Từ thời xa xưa, nơi đây là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thiểu số với những truyền thống văn hóa đặc thù và độc đáo. Ngày nay, dù đời sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng những giá trị văn hóa của cư dân Tây Nguyên vẫn tồn tại và phát triển bền bỉ.

Responsive image
 

Nghệ thuật cồng chiêng có lẽ là một trong những niềm tự hào lớn nhất của cư dân Tây Nguyên. Chủ nhân của loại hình di sản này là 17 tộc người thiểu số sống trên 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Ngày 25/11/2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Bao đời nay, nghệ thuật cồng chiêng gắn liền với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong đời sống con người. Hầu hết tất cả các sự kiện quan trọng trong cộng đồng đều có sự xuất hiện của cồng chiêng như lễ cưới, lễ tang, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới…

 

Do đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có biểu diễn cồng chiêng, mà còn là sự tập hợp của nhiều bộ phận cấu thành như: bộ cồng chiêng, các bản nhạc, những nghệ nhân, không gian lễ hội, địa điểm tổ chức… tất cả gắn liền với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Tây Nguyên.

 

Cồng chiêng là di sản vô giá, được cư dân Tây Nguyên sáng tạo và lưu truyền từ xưa đến nay. Cồng chiêng không chỉ có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên, mà còn là một nét đặc sắc để phát triển du lịch vùng đất này. 

 

Nhận lời mời của tỉnh An Giang, các nghệ nhân cồng chiêng đến từ tỉnh Đắk Lắk sẽ biểu diễn tại “Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022”. Chương trình diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24/4 tại Quảng trường phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là dịp để người dân Tây Nam Bộ có thể thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng ngay tại vùng sông nước quê hương mình.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Triều Phú