Kênh phân phối hàng hóa của Úc
Các kênh phân phối chính tại Úc bao gồm bán buôn và bán lẻ. Kênh bán lẻ chủ yếu thông qua hệ thống siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện ích... Ngoài ra, hệ thống chợ phục vụ cộng đồng các nước (chợ Việt Nam, chợ Thái, chợ Tàu…) cũng phát triển khá mạnh mẽ.

Responsive image

Hệ thống siêu thị tổng hợp gần như độc quyền bởi hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất, chiếm tới 80% thị phần hàng tiêu dùng là Wesfarmer và Woolwooths.Đây là hai tập đoàn bán lẻ của Úc nằm trong danh sách 20 tập đoàn bán lẻ lớn nhất toàn cầu.Ngoài ra, Úc có hơn 2000 siêu thị tổng hợp khác. Tổng doanh thu toàn bộ của mạng lưới này là 88 tỷ AUD.

 Úc có 146 cửa hàng bách hóa trong đó có các cửa hàng của Westfarmer mang các thương hiệu như Kmark, Target và các hãng khác như Oriris, Myer. Doanh thu năm 2015 là 18,1 tỷ AUD.

 Hệ thống cửa hàng tiện ích có tất cả hơn 8.000 cửa hàng khắp nước Úc với doanh thu năm 2015 đạt 4,4 tỷ AUD.

 Ngoài các hệ thống siêu thị, bách hoá tổng hợp và các cửa hàng tiện ích nói trên, Úc còn có các hệ thống cửa hàng bán các mặt hàng chuyên dụng như điện tử, cơ khí, đồ gỗ nội ngoại thất…

Mạng lưới bán buôn phân theo ngành hàng (2015) 

pic 19-7-2

Mạng lưới bán lẻ phân theo ngành hàng (2015)

pic 19-7-1

Hàng hoá nhập khẩu để phân phối cho các hệ thống bán buôn, bán lẻ thông qua các kênh nhập khẩu.Các kênh nhập khẩu của Úc tương tự với kênh nhập khẩu ở các nước phát triển khác và đối với hầu hết hàng hóa từ các nước đang phát triển khách hàng sẽ là những nhà chuyên nhập khẩu hoặc các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn mua hàng thông qua các đại lý của họ ở nước ngoài.

Nói chung, các nhà nhập khẩu Úc có thể được phân loại theo các hình thức sau:

  • Nhà nhập khẩu/người bán buôn: là những người chuyên nhập khẩu một chủng loại hàng hóa riêng hoặc hoạt động như những nhà nhập khẩu nói chung sau đó bán buôn lại hàng hóa của họ cho những nhà bán lẻ hoặc người sử dụng cuối cùng;
  • Đại lý hưởng hoa hồng: là nhà cung cấp hàng hóa cho những nhà nhập khẩu hoặc người sử dụng cuối cùng khác, nhưng bản thân họ không nhập khẩu trực tiếp (những đại lý này thường chỉ nhận hoa hồng từ những nhà cung cấp nước ngoài và các hoạt động của họ thường giới hạn với các mặt hàng gia dụng và hàng dệt may);
  • Nhà sản xuất/người sử dụng cuối cùng: một số nhà sản xuất hoặc người sử dụng cuối cùng sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu đầu vào trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài, nhưng thông thường họ mua hàng từ các nhà chuyên nhập khẩu; và
  • Những nhà bán lẻ: những nhà bán lẻ lớn nhập khẩu lên tới 20% lượng hàng họ cần thông qua các đại lý mua hàng của họ ở nước ngoài. Số lượng hàng hóa còn lại được mua hoặc từ nhà sản xuất trong nước hoặc từ những nhà chuyên nhập khẩu. Chỉ có một số ít nhà bán lẻ qui mô nhỏ nhập khẩu trực tiếp.

Không giống như nhiều thị trường khác, có rất ít nhà chuyên nhập khẩu hoặc đại lý hưởng hoa hồng hoạt động ở Úc. Trường hợp ngoại lệ thuộc lĩnh vực vải sợi và dệt may, lĩnh vực có nhiều đại lý hưởng hoa hồng hoạt động.

Nhà nhập khẩu thông thường sẽ chuyên hoạt động trong một phân khúc thị trường cụ thể (đồ chơi, hàng dệt may gia dụng, sản phẩm du lịch, sản phẩm sản phẩm nhựa…) và thường không tính đến việc làm ăn kinh doanh ở những lĩnh vực mới mà họ không thông thạo.

Hầu hết các nhà nhập khẩu Úc sẽ đòi hỏi nhà cung cấp nước ngoài dành cho họ điều kiện độc quyền tại Úc đối với toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu hoặc ít nhất là với một số mẫu hàng riêng biệt.Điều này phản ánh qui mô thị trường nhỏ và chi phí cho hệ thống phân phối trong nước cao.

Do qui mô nhỏ và đặc tính cạnh tranh của thị trường Úc, các đại lý hưởng hoa hồng, các cửa hàng thương mại tổng hợp và các cửa hàng theo mô hình "Cash & Carry" lớn không có hoạt động nhập khẩu/bán buôn mạnh trên thị trường. Vì thế, các nhà cung cấp nước ngoài đối với mặt hàng tiêu dùng muốn xuất sang Úc thường có hai lựa chọn - bán cho nhà nhập khẩu/người bán buôn hoặc bán cho những nhà bán lẻ lớn.

Ngày càng nhiều nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng của Úc sử dụng dịch vụ của đại lý mua hàng ở nước ngoài để tìm nhà cung cấp phù hợp, hỗ trợ đàm phán mua hàng, kiểm tra chất lượng, thu xếp vận chuyển hàng hóa và thanh toán. Hình thức này đặc biệt được áp dụng trong trường hợp các nhà nhập khẩu mua hàng từ một nước không quen và họ không chắc chắn về độ tin cậy của các nhà cung cấp khác nhau.

         Những nhà bán lẻ lớn có một chính sách đã được thiết lập từ lâu là họ sẽ không nhập khẩu trừ khi tất cả mọi việc đã được thu xếp qua một đại lý nước ngoài được chỉ định của họ. Những nhà bán lẻ lớn ở Úc có đại lý mua hàng ở tất cả các nước cung cấp chính và ở một số nước họ có nhiều hơn một đại lý.

Hầu hết các đại lý mua hàng ở nước ngoài của nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ Úc hoạt động theo hình thức hưởng hoa hồng khoảng từ 3 đến 5% giá trị FOB của đơn hàng.

Việc đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào địa bàn thuận lợi thì ít, chủ yếu là khó khăn do sự chuyển biến cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm, tỷ trọng nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng sơ chế vẫn chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc còn nhiều bất cập. Nhóm hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến nhiều trường hợp chưa đáp ứng được quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc. Nhóm hàng công nghiệp chủ yếu làm gia công cho nước ngoài, nguyên phụ liệu chính vẫn phải nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, mẫu mã sản phẩm thường do các nhà nhập khẩu yêu cầu nên doanh nghiệp bị động, khó chủ động trong việc đưa sản phẩm của chính mình vào thị trường này.

Một số khó khăn cụ thể khiến hàng Việt Nam khó được trực tiếp đi vào hệ thống phân phối của Úc, có thể kể ra là: Như phân tích ở trên, hàng hoá nhập khẩu để phân phối cho các hệ thống bán buôn, bán lẻ tại Úc thường thông qua các kênh nhập khẩu. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được nhập khẩu thô, sau đó sang Úc các nhà nhập khẩu sẽ bán lại cho các nhà máy chế biến để gia công lại, tăng giá trị hàng hoá và gắn thương hiệu của họ.

Một số tập đoàn lớn đặt đại lý mua hàng theo khu vực và hầu như chưa có đại lý thu mua hàng tại Việt Nam, ví dụ Woolworths đặt đại lý mua hàng khu vực châu Á tại Hồng Kông, Thượng Hải và sắp tới là Thái Lan. Các đại lý này thường ưu tiên mua hàng tại các nước họ đặt trụ sở trừ khi mặt hàng họ cần nước đó không có nên hàng Việt Nam khó thâm nhập được vào các hệ thống bán lẻ lớn của Úc.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường cũng không mặn mà cung cấp hàng hoá trực tiếp cho các hệ thống phân phối bán lẻ của Úc do không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về thủ tục, tiêu chuẩn và thanh toán nên thường chọn cung cấp hàng qua trung gian.

Một yếu tố nữa khiến hàng Việt Nam khó thâm nhập vào hệ thống phân phối của Úc là tiêu chuẩn mua hàng của Úc khá cao, trong khi đơn hàng thường nhỏ do vậy, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam thì không mặn mà trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường.

         Để tăng cường đưa hàng Việt Nam vào Úc, doanh nghiệp cần chú ý một số điểm sau:

- Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi theo Hiệp định AANZFTA: Các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng ưu đãi trong Hiệp định như rau quả và rau quả chế biến, thiết bị điện tử, cao su và sản phẩm cao su, nhựa và sản phẩm nhựa, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt và sản phẩm sắt, túi sách ví va li mũ ô và dù, hạt tiêu, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây tre cói thảm. Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ nội dung của Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế của Úc, từng điều khoản đối với lĩnh vực mình quan tâm nhằm tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này.

- Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Úc: Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc khá đơn điệu và chất lượng hàng còn nhiều bất cập khi so sánh với cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường này, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, HACCP,...) đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường. Nếu muốn trụ vững trên thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường.

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn: Doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường Úc phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Không nên thâm nhập thị trường một cách vội vàng mà cần có quá trình lâu dài: từ giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập quan hệ rồi mới thực hiện giao dịch kinh doanh; Nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật đã có và sẽ có trong tương lai.

- Chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu: Đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng xuất khẩu. Vấn đề sở hữu trí tuệ rất được coi trọng ở Úc.Doanh nghiệp cần có chính sách xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo vệ thương hiệu dài hạn.Đặc biệt, khi hàng xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường thì nhất thiết doanh nghiệp phải đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa tránh bị mất hay tranh chấp thương hiệu.

Doanh nghiệp cần có hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa, vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học… thiết lập hệ thống kiểm tra cũng như thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đảm bảo sản phẩm xuất sang thị trường Úc luôn có chất lượng cao, đáp ứng được đòi hỏi khe khắt về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn mà các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là cách tốt nhất bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Ví dụ, theo quy định, bất cứ lô hàng nhập khẩu nào không đáp ứng yêu cầu kiểm tra về kỹ thuật và an toàn của Úc thì danh tính của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cũng như thương hiệu của sản phẩm đó đều được thông báo rộng rãi trên cả nước. Người tiêu dùng Úc rất quan tâm tới vấn đề an toàn, nếu để việc này xảy ra sẽ là một bất lợi lớn, ảnh hưởng xấu tới thương hiệu hàng hóa cũng như đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp sang Úc về sau.

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam là hết sức cần thiết.Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Úc thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt. Việc xây dựng thương hiệu với xuất xứ tốt là đặc biệt quan trọng.

Nguồn : Thương vụ Việt Nam tại Australia