Hành trình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại An Giang
Di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan đến tìm hiểu, trải nghiệm. Đến năm 2023, cả nước đã có 485 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng An Giang, có 07 di sản phi vật thể được công nhận. Bao gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer, Lễ hội Kỳ yên ở Đình Thần Thoại Ngọc Hầu, Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam, Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer, Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm.

Responsive image
 

1. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL Ngày 19/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22-27/4 âm lịch. Bao gồm các hoạt động: Lễ Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống Lăng Miếu; Lễ tắm Bà; Lễ Túc yết và Xây Chầu; Lễ Chánh tế; Lễ Hồi sắc. 

Điểm tham quan lân cận: Miếu bà chúa Xứ núi Sam, Chùa Tây An, Chùa Hang, Chợ Châu Đốc...

 

2. Hội đua bò Bảy Núi

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 246/QĐ - BVHTTDL ngày 19/01/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đua bò Bảy Núi là lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Lễ hội được tổ chức vào dịp lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) từ 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch hàng năm.

Điểm tham quan lân cận: Khu du lịch Núi Cấm, Rừng Tràm Trà Sư, Khu du lịch Tức Dụp,...

 

3. Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số 217/QĐ - BVHTTDL ngày 23/01/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian được người Khmer viết trên lá của cây Buông, gọi là Kinh lá Buông. Kinh lá Buông có 4 loại gồm: Kinh Phật; Truyện cổ dân gian; Hội hè, trò chơi dân gian; Bài giáo huấn dân gian. Ở An Giang, kinh lá Buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) với khoảng hơn 179 bộ kinh lá Buông với trên 924 quyển. Trong đó, chùa Xà Tón ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) là nơi còn lưu giữ được nhiều bộ kinh lá Buông nhất với trên 100 bộ.

Điểm tham quan lân cận: Chùa Xà tón, Hồ Soài So, Núi Tô,...

 

4. Lễ hội Kỳ yên ở Đình Thần Thoại Ngọc Hầu

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số 2947/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ Kỳ yên tưởng nhớ Tôn thần Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829) của người dân Thoại Sơn nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung, cầu mong thần phù hộ quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,… Hàng năm, vào 3 ngày mùng 10, 11, 12 tháng 03 âm lịch, người dân Thoại Sơn háo hức đi Lễ kỳ yên, bởi đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của vùng đất Thoại Sơn. Lễ hội Kỳ yên gồm các nghi lễ: Nghinh thần, Túc yết, Xây chầu, Đại bội và Lễ Chánh tế.

Điểm tham quan lân cận: Khu du lịch Núi Sập, Thiền viện Trúc Lâm An Giang,...

 

5. Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số 157/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Nghi lễ Vòng đời của Chăm Islam” là lối sống, thói quen được hình thành qua nhiều thế hệ, được công nhận như một phần trong nếp sống của cộng đồng người Chăm An Giang, bao gồm các nghi lễ trong giai đoạn sinh, trưởng thành và chết. Những nghi thức thực hiện lễ nghi mang tính đặc sắc và đặc trưng riêng. Cụ thể, trong giai đoạn sinh, có 2 nghi lễ tiêu biểu là lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ; trong giai đoạn trưởng thành, có lễ cưới và khi chết, có các nghi thức dành cho người quá cố.

Điểm tham quan lân cận: Làng Chăm Châu Phong, Làng Chăm Đa Phước, Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc,...

 

6. Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số 160/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp, kết hợp âm nhạc ca kịch dân gian tích hợp múa, đọc thơ, còn được người Khmer gọi là Hát Lăm.

Điểm tham quan lân cận: Núi Tô, Chùa Tà Pạ, Khu du lịch Tức Dụp,...

 

7. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm

Responsive image
 

 

Được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại  Quyết định số  480/QĐ-BVHTTDL ngày 06/03/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường xuất hiện trong đời sống hằng ngày của con người nơi đây như trang phục của người phụ nữ với váy, áo, khăn đội đầu; xà rông của nam giới… với màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau như: sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu…

Điểm tham quan lân cận: Làng Chăm Châu Phong, Làng Chăm Đa Phước, Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc,...

 

Trên hành trình di sản phi vật thể cấp quốc gia tại An Giang, du khách sẽ được tìm hiểu về văn hoá truyền thống, tham gia lễ hội, trải nghiệm các hoạt động làng nghề. Đồng thời, gắn liền với các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, là những khu điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. Đến đây, du khách có thể tham quan những công trình độc đáo, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thưởng thức ẩm thực của địa phương.

 

  

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác bao gồm lễ hội, lối sống, bí quyết truyền nghề, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch địa phương. 

 

B.P