VỀ AN GIANG TRẢI NGHIỆM, KHÁM PHÁ VĂN HÓA ĐỒNG BÀO KHMER
Văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi cộng đồng, sự độc đáo riêng của mỗi nền văn hóa chính là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Nằm ở đầu nguồn Sông Cửu Long, An Giang có tiềm năng phát triển du lịch không chỉ vì sở hữu sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ mà đây còn là nơi hội tụ của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với nền văn hóa dân tộc đa dạng và đặc sắc.

Responsive image
 

Dân tộc Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại An Giang, tập trung đông nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Du lịch văn hóa đồng bào Khmer những năm gần đây có bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc, thu hút du khách trải nghiệm khám phá.

Đồng bào Khmer tỉnh An Giang có 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông.

Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, Tri Tôn) toàn tỉnh có gần 70 ngôi chùa Khmer, trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn. Các ngôi chùa này không chỉ chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo của người Khmer mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu vực.

Đến với các ngôi chùa Khmer ở An Giang, du khách có thể tìm hiểu một số phong tục, nét văn hóa truyền thống được người dân nơi đây gìn giữ bao đời nay như: lễ dâng cơm, lễ dâng áo cà sa, tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người...

Sở hữu những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán độc đáo, đời sống văn hóa đồng bào Khmer mang đặc điểm tôn giáo thông qua các lễ hội truyền thống, như: Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, lễ Kathina, lễ nhập hạ, xuất hạ...

Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16/4/2024. Theo tiếng Khmer, “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là năm mới. Tết Chôl Chnăm Thmây, có ý nghĩa mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào, là Tết chịu tuổi. Đây là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình cùng tề tựu, sum họp sau những ngày tháng làm việc, lao động vất vả và động viên nhau tiếp tục cố gắng để ngày càng phát triển hơn. Cũng trong dịp này sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao cùng các loại hình nghệ thuật dân gian lưu truyền ở các phum thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ngày cuối cùng (16/4/2024) sẽ tổ chức hội té nước tại những ngôi chùa của người đồng bào Khmer. Đây là dịp để du khách có thể hoà mình vào không khí vui mừng năm mới của người đồng bào tại Tri Tôn.

Ngoài ra, đồng bào Khmer An Giang còn nổi bật với lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ Sene Dolta. (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch hàng năm). Đây là lễ hội thể thao "độc nhất vô nhị" của địa phương, thu hút hàng trăm ngàn du khách đến theo dõi và cổ vũ mỗi năm.

Đến đây, ngoài những hoạt động tham quan và trải nghiệm du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản của đồng bào Khmer như: bánh Kà tum, bò xiên nướng, đu đủ đâm, canh somlo, bánh bò thốt nốt, cốm dẹp, mắm bò hóc….

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Khmer còn có cả kho tàng văn hóa dân gian và nghệ thuật cổ truyền rất phong phú và đa dạng. Từ nghệ thuật múa dân gian, nghệ thuật tuồng cổ Rô băm, Dì kê, múa Lâm thôn, múa trống Sa dăm, múa mặt nạ chằn, biểu diễn nhạc ngũ âm... Các loại hình nghệ thuật truyền thống này được xem là kho tàng văn hóa giá trị để An Giang có thể khai thác phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Nhìn chung, đồng bào Khmer An Giang đang lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Vì vậy, ngành chuyên môn và địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để du lịch văn hóa đồng bào Khmer phát triển, làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch với cộng đồng, thu hút đầu tư, khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, vừa định vị thương hiệu du lịch riêng tỉnh An Giang, vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Huyền Trâm