ĐỘC ĐÁO VĂN HOÁ KHMER AN GIANG
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, là ngôi nhà chung của 4 dân tộc anh em Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất An Giang.

Responsive image
 

Người Khmer An Giang sinh sống phần lớn tập trung tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, trong những phum, sóc. Đa phần đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam tông, với họ chùa là nơi hội tụ những giá trị cao đẹp của cuộc sống, của Phật pháp, và không gian văn hoá chùa chiềng của đồng bào Khmer là một phong tục, tập quán được duy trì qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Mỗi năm đồng bào Khmer có 8 lần lễ lớn đều cử hành nghi thức ở chùa, trong đó có 3 lễ quan trọng nhất là Chôl Ch'năm Thmây, Đôn Ta và Ok Ang Bok.

          Trang phục truyền thống của đồng bào Khmer khá cầu kỳ, độc đáo với nhiều gam màu rực rỡ, đặc trưng Sbay cho nữ và xà rông cho nam. Trang phục nữ luôn được chú ý bởi sự cầu kỳ, hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ bắt mắt, được trang trí bởi những phụ kiện đầy màu sắc lung linh. Những trang phục truyền thống này được lưu truyền hàng nghìn năm, tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt của đồng bào dân tộc Khmer và góp phần làm phong phú nền văn hoá các dân tộc An Giang.

           Đi cùng với những trang phục truyền thống là nghề dệt thổ cẩm vốn có từ lâu đời của bà con đồng bào Khmer. Hiện nay ở An Giang vẫn còn lưu giữ được làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Khmer ở xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên. Vải thổ cẩm chủ yếu dùng may trang phục truyền thống của đồng bào Khmer như áo cưới, áo mặc đi chùa, khăn đội đầu, trang trí nơi thờ phượng. Thổ cẩm Khmer Văn Giáo phong phú, đa dạng về mẫu mã, màu sắc hài hoà và hoa văn sắc sảo. Một trong những bí quyết để sản xuất ra được những khúc thổ cẩm chất lượng cao, màu sắc đẹp mắt là do những nghệ nhân nơi đây đã chọn lựa những chất liệu từ tự nhiên để chế thuốc nhuộm, giúp cho những tấm thổ cẩm luôn được óng ả, mịn màng.

          Người Khmer cũng yêu âm nhạc, văn hoá nghệ thuật Khmer đã trải qua quá trình phát triển lâu dài tạo nên bản sắc rất riêng bởi dàn nhạc ngũ âm và điệu múa hát Dì kê độc đáo. Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer được xem là một tài sản quý giá của kho tàng văn hoá truyền thống dân tộc, bởi thiết kế đẹp mắt, tinh xảo gồm các loại nhạc khí khác nhau như: đàn thuyền, bộ trống, đàn cò, bộ cồng lớn nhỏ, trống Sa dăm, đàn Tà khê, đàm Khưm và kèn Srô-lây.

          Đồng bào dân tộc Khmer An Giang có 2 Di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đó chính là: Lễ hội đua bò Bảy Núi, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông.

          Hội đua bò Bảy Núi là một dạng lễ hội nông nghiệp độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang, được tổ chức vào dịp lễ Sel Đôn Ta từ ngày 29/8 đến ngày 01/9 âm lịch. Hội đua bò Bảy Núi An Giang là một ngày hội không chỉ thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống mang đậm tính nhân văn của người Khmer, mà còn là sân chơi thể thao, giải trí cho người nông dân ở các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.

Là một trong 2 Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của của đồng bào dân tộc Khmer được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận, Tri thức và Kỹ thuật viết chữ trên lá Buông là một loại tri thức dân gian, bên trong ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại, đó chính là kinh phật. Nghệ thuật chạm khắc chữ trên lá Buông của người Khmer rất đặc biệt. Kinh Phật được viết trên lá Buông bởi mũi bút sắt, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Bali. Nét độc đáo của Kinh lá Buông nhờ vào độ dai của lá Buông, kết hợp với sự khéo léo, tỉ mỉ của người viết, nên thể hiện được trên cả 2 mặt của lá Buông.

Ngoài những đặc trưng trong văn hoá sinh hoạt hàng ngày, trong tín ngưỡng thờ tự hay trong những lễ hội được tổ chức hàng năm, đồng bào Khmer An Giang còn có một nền văn hoá ẩm thực phong phú, đa dạng với nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo. Nếu người Kinh có canh chua và các loại mắm cá thì người Khmer có canh simlo và mắm bò hóc là những món ăn tiêu biểu trong văn hoá ẩm thực Khmer. Ngoài ra, còn có những món ăn nổi tiếng được nhiều người biết và tìm đến thưởng thức như: đu đủ đâm, ếch nướng, bò nướng, bánh bò thốt nốt, cốm dẹp hay bánh kà tum… Tất cả các món ăn đều có nguồn gốc từ tự nhiên, được chế biến và sáng tạo thành nhiều món khác nhau, thể hiện sự ứng xử của đồng bào Khmer đối với môi trường thiên nhiên.

              Ngày nay, văn hoá của đồng bào Khmer đã trở thành một phần của bức tranh văn hoá các dân tộc An Giang, góp phần làm nên một nền văn hoá phong phú, đa dạng nhưng vẫn giữ được những sắc thái riêng, độc đáo. Để giới thiệu văn hoá dân tộc Khmer đến với du khách gần xa, từ ngày 20/4 đến 24/4 tới đây tại Tp. Châu Đốc, trong khuôn khổ Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022, không gian văn hoá đồng bào dân tộc Khmer từ sinh hoạt hằng ngày đến lễ hội truyền thống, ẩm thực, văn nghệ, sẽ được tái hiện sinh động và chân thực tại Khu triển lãm Ngôi nhà chung của 4 dân tộc anh em Kinh, Chăm, Hoa, Khmer nhằm phục vụ du khách tham quan. 

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Trương Loan