Hội thảo “Sơ kết gói hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường tôm càng xanh giai đoạn 2015 – 2016”
Sáng ngày 12/10/2016, tại Hội trường UBND xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang; Trung tâm giống thủy sản An Giang tổ chức Hội thảo “Sơ kết gói hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường tôm càng xanh giai đoạn 2015 – 2016 và giới thiệu mô hình nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu”.

Responsive image

Tham dự hội thảo có: Ông Phan Văn Ninh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm giống Thủy sản An Giang, Ông Dương Ngọc Lắm – Phó chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cùng các đại diện Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư, phòng Kinh tế ngành UBND tỉnh, đại diện UBND xã Phú Thuận và hơn 20 bà con nông dân đã và đang  dự kiến triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Trước thềm Hội thảo, các đại biểu được tham qua mô hình nuôi tôm CNC tại vùng nuôi xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn của ông Văng Công Khiêm; diện tích nuôi 2ha, thả nuôi vào ngày 18/4/2016.

Tại Hội thảo, báo cáo viên của Trung tâm giống Sơ kết kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường cho sản phẩm tôm càng xanh giai đoạn 2015 – 2016. Trung tâm giống đã thành lập tổ Tư vấn kỹ thuật theo QĐ số 525/QĐ-SNN&PTNT ngày 26/8/2015 nhằm hỗ trợ kỹ thuật, con giống theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Đồng thời đã ứng dụng thành công một số công nghệ, mô hình ươm tôm càng xanh toàn đực, ước hoàn thành 130% so với mục tiêu đề ra, cung cấp cho vùng nuôi trong và ngoài tỉnh 18 triệu con PL.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Thiện Khánh – Khoa Kỹ thuật & Công nghệ Môi trường – Trường Đại học An Giang báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước và những ảnh hưởng trong nuôi trồng xen canh tôm càng xanh – lúa tại huyện Thoại Sơn, An Giang. Đồng thời, cũng kiến nghị hỗ trợ xây dựng trạm quan trắc phân tích chất lượng nước trước khi bơm vào ao nuôi nhằm hạn chế các tác động của môi trường đến chất lượng con tôm.

Responsive image

Hội thảo lần này được đánh giá là thành công, khi có doanh nghiệp cam kết thu mua tôm được nuôi theo mô hình CNC, đạt tiêu chuẩn VietGap với giá cao hơn giá thị trường 20.000 đ/kg, đồng thời một số kiến nghị về cải tạo vùng nuôi, hệ thống điện, kênh mương cũng đã được nông dân đề xuất đến lãnh đạo xã Phú Thuận, lãnh đạo huyện Thoại Sơn nhằm mở rộng vùng nuôi, cung cấp sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua và thị trường.

Lãnh đạo xã Phú Thuận và lãnh đạo huyện Thoại Sơn ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, nông dân; từ đó, thống nhất gửi lên các Sở, ngành có liên quan và đề xuất lên UBND tỉnh bổ sung kinh phí nhằm mở rộng vùng nuôi, chuyển đổi các diện tích trồng lúa sang nuôi tôm, xây dựng vùng nuôi chuyên canh tập trung của tỉnh.

Tấn Thành

 

Tin liên quan