Sở Công thương An Giang tổ chức tập huấn ứng phó trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP
Sáng ngày 07/12, Sở Công thương tỉnh An Giang tổ chức lớp tập huấn ứng phó trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Khai mạc lớp tập huấn, Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu, lớp tập huấn nhằm giúp doanh nghiệp có cái nhìn bao quát hơn về Hiệp định CPTPP, đồng thời nắm được một số cam kết của Việt Nam và thị trường các nước đối tác quan trọng, đặc biệt thông tin về ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng An Giang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để tận dụng những ưu đãi và lợi ích mang lại từ Hiệp định CPTPP thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới, lấy sức ép từ cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

TS. Mai Ánh Tuyết, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc Hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang cho biết, tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội: tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam cả ở khu vực và quốc tế; củng cố thêm sức mạnh kinh tế cho Việt Nam thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico...cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển; đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch; CPTPP có tính mở, khi có nước khác tham gia hiệp định thì lợi ích với Việt Nam sẽ tăng lên. Song Việt Nam cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: yêu cầu xử lý các vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ; tạo ra sức ép to lớn về cạnh tranh, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Về thách thức, cơ hội và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Mai Ánh Tuyết nhận định, khi gia nhập Hiệp định CPTPP, Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng nếu không có chuẩn bị tốt sẽ đối mặt với thách thức rất lớn, hiện nay Tỉnh ủy An Giang quyết tâm đưa các hệ thống tiêu chuẩn vào sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: xây dựng thương hiệu lúa, xây dựng quy chuẩn giống cá tra bố mẹ, các sản phẩm còn lại theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tiếp tục xây dựng hệ thống quy chuẩn theo hướng tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Nhà nước cần tuyên truyền thông tin đến các doanh nghiệp và nông dân nắm bắt được các thách thức thị trường trong thời gian tới để chủ động ứng phó và nắm bắt cơ hội.

Về cơ chế chính sách, vừa qua Tỉnh ủy An Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh như: xây dựng thương hiệu gạo, nếp tiến tới xây dựng thương hiệu địa phương và quốc gia. Trực tiếp đầu tư và hỗ trợ cụ thể như: tập huấn, chính sách ứng dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng (giống, kỹ thuật canh tác, thủy lợi...), vừa qua An giang đã triển khai 02 dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ: dự án giống cá tra ba cấp và xây dựng thương hiệu gạo An Giang, các doanh nghiệp, nông dân tham gia dự án sẽ được hưởng quyền lợi theo quy định.

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại buổi tập huấn:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image