DIỄN ĐÀN XUẤT KHẨU 2022 VỚI CHỦ ĐỀ “VẬN HỘI MỚI CHO XUẤT KHẨU - TẬN DỤNG THỜI CƠ ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VƯƠN LÊN”
Sáng ngày 08 tháng 12 năm 2022 tại Khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Phiên chính của Diễn đàn Xuất khẩu 2022 với chủ đề “Vận hội mới cho xuất khẩu - Tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức.

Responsive image
 

Tham dự Diễn đàn, về phía thành phố Hồ Chí Minh, có Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh - đại diện Ban Tổ chức; Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương; cùng đại diện các Sở, ban, ngành thành phố. Về phía đại diện Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương có Bà Bùi Hoàng Yến – Phụ trách tổ công tác phía Nam. Tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của các vị Tổng lãnh sự, các lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Về phía tỉnh An Giang, đoàn công tác do Bà Nguyễn Tâm Tuyết Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh làm trưởng đoàn.

Tại Phiên chính của Diễn đàn xuất khẩu 2022, các đại biểu và doanh nghiệp được các diễn giả chia sẻ nhiều nội dung, thông tin phong phú cùng với các đánh giá, dự báo khách quan và có giá trị thực tiễn liên quan đến cơ hội mới cùng những thách thức phải vượt qua để duy trì sự tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động như hiện nay với 06 nội dung báo cáo được trình bày trực tiếp tại Diễn đàn: Cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh mới; Tận dụng các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ tăng cường xuất khẩu; Đánh giá ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF)-Tác động mới, cơ hội mới đến thương mại và đầu tư Việt Nam; Cơ hội, khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong tình hình mới khi EVFTA đi vào thực thi; Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc để thích ứng với tình hình mới; Chuyển đổi số, công nghệ hóa để nâng cao hiệu quả xuất khẩu toàn diện.

Cùng với nhiều ý kiến chia sẻ đến từ các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đã mang đến cho Quý vị bức tranh tổng quan tình hình xuất khẩu năm 2022 của Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam với nhiều điểm sáng.

Mặc dù ngay từ đầu năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn như sự tác động tiêu cực và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, sự canh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraina, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, sức cầu hàng hóa giảm, giả cả nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, nhưng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm sẽ đạt con số kỷ lục là hơn 700 tỷ USD, cán cân thương mại sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.

Các diễn giả, chuyên gia cũng nhận định, mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự, tình hình kiếm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhưng đây là thời cơ, là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế mang lại từ:

(1) Lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP...

(2) Chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế“ của Đảng và Nhà nước. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương; 12 hiệp định thương mại đa phương; gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần.

 (3) Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa giữ hiệu quả của công tác phòng chống dịch theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

(4) Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử-những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình. Để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và đạt những cột mốc mới trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố và gia tăng thị phần hàng hóa xuất khẩu tại thị trường truyền thống và thâm nhập, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng. Doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm Việt có thương hiệu uy tín. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, định hướng sản xuất “xanh-tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất-kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, nhất là cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới. Doanh nghiệp cũng cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, các thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, các chính sách, quy định mới, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch, an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước để giúp doanh nghiệp có sự điều chỉnh kịp thời, ứng phó thích hợp với những thay đổi bất lợi. Doanh nghiệp cũng phải đầu tư nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, mạnh dạn chuyển cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu và thân thiện môi trường./.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Hiền Nguyễn