An Giang sẽ thành lập bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, do biến động của thị trường trong và ngoài nước đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và phát triển. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp thua lỗ, dẫn đến phá sản. Điều này đưa đến hệ lụy là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu và có chiều hướng suy giảm.

Nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan nêu trên, còn có nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp. Trong đó có nguyên nhân hạn chế về kiến thức pháp luật của chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng về kỹ năng quản trị kinh doanh, kiến thức pháp luật, thường làm việc theo thói quen, quản lý theo kinh nghiệm, chưa có tầm nhìn chiến lược.

Ngoài ra, do pháp luật của nước ta đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, chưa hoàn thiện, còn quá nhiều luật, nghị định và thông tư hướng dẫn, mỗi nghị định, thông tư đều có sửa đổi, bổ sung. Thời gian vừa qua, các sai phạm, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải, một phần do cơ chế chính sách nhưng cái chính là do chủ quan của doanh nghiệp, không cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về: luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật thuế, luật hải quan, luật tài chính, luật lao động, luật bảo hiểm… Doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên về pháp lý để tư vấn cho chủ doanh nghiệp.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tránh các sai phạm và thiệt hại không đáng có, tự bảo vệ trước các rủi ro pháp lý trong sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những thay đổi về chủ trương, chính sách của Ðảng và nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề nghị các doanh nghiệp phải có bộ phận pháp chế để tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về ý nghĩa, vai trò của tư vấn pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tự chọn một hình thức tư vấn pháp luật phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô và mức độ cần sử dụng của hoạt động tư vấn pháp luật mà doanh nghiệp thành lập riêng đội ngũ pháp chế hoặc ký hợp đồng thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật.

Về tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định cho doanh nghiệp nhà nước. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp loại hình khác nghiên cứu và vận dụng Nghị định này để định hướng xây dựng tổ chức pháp chế cho riêng mình.

Bá Đăng