TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG SẢN PHẨM OCOP TỈNH AN GIANG NĂM 2020
Nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật) tham gia Đề án OCOP_AG đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang năm 2020.

 

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá tất cả sản phẩm được đề xuất tham gia Đề án OCOP_AG tại địa phương (kể cả các sản phẩm tiềm năng khác) theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành. Sản phẩm đã đánh giá tại cấp huyện có khả năng đạt 03 sao trở lên (từ 50 điểm trở lên) theo Bộ tiêu chí, được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 03 chủ thể kinh tế với 06 sản phẩm tham gia Hội đồng đánh giá cấp huyện và gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp tỉnh trong năm 2020. Cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ đánh giá sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG từ cấp huyện. Sau khi thẩm định hồ sơ sẽ tiến hành đánh giá, lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh An Giang.

Thời gian thực hiện cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh:

+ Đợt 1: Tổ chức đánh giá, phân hạng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trước ngày 15/3/2020.

+ Đợt 2: Tổ chức đánh giá, phân hạng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trước ngày 25/7/2020.

+ Công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và trao giấy chứng nhận OCOP cho chủ thể của sản phẩm khi UBND tỉnh ký quyết định công nhận.

- Cấp huyện:

+ Đợt 1: Tổ chức đánh giá chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP_AG, sản phẩm tiềm năng khác và hoàn thành hồ sơ gửi về cấp tỉnh trước ngày 10/3/2020.

+ Đợt 1: Tổ chức đánh giá chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP_AG, sản phẩm tiềm năng khác và hoàn thành hồ sơ gửi về cấp tỉnh trước ngày 10/07.

Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần triển khai thành công Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Bích Phương

Tin liên quan