Nhiều thông tin hữu ích từ Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN tại tỉnh An Giang
Sáng ngày 5/5/2022, tại Khách sạn Hòa Bình 1 – tỉnh An Giang, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN. Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN như nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...

Responsive image
 

Tham dự Phiên tư vấn có sự tham gia của Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Bà Nguyễn Tâm Tuyết Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước ASEAN và hơn 70 doanh nghiệp quan tâm đến thị trường xuất khẩu của các nước ASEAN đăng ký trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom và Fanpage Cục Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư. Đây là Phiên tư vấn thứ 12 trong số tổng 30 Phiên tư vấn do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị tổ chức trong năm nay, là hoạt động nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo. Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN.

Tại Phiên tư vấn, các doanh nghiệp sẽ được nghe một số chia sẻ của các Thương vụ Việt Nam tại các nước ASEAN, cụ thể: Ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia sẽ thông tin về tình hình thị trường gạo Indonesia và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào sẽ chia sẻ về mặt hàng gạo tại thị trường Lào. Bà Trần Lê Dung - Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẽ nêu một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu gạo sang Malaysia. Ông Cao Xuân Thắng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ giới thiệu tình hình thị trường gạo Singapore niên vụ 2021 – 2022. Ông Nguyễn Thành Huy - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm gieo trồng, thu hoạch gạo của Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam. Phiên tư vấn cũng sẽ dành thời gian để tư vấn trực tiếp các vấn đề cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang các nước ASEAN.

Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippinnes. Năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.

An Giang, với thế mạnh là nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo trong các năm qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, hàng năm sản lượng gạo chế biến của tỉnh đạt gần 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 500.000 tấn. Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam tham gia các kỳ thi đấu xảo gạo ngon nhất thế giới và đã đạt được thành tích khá tốt, như giống gạo Lộc Trời 1 - của Tập đoàn Lộc Trời-An Giang đã đạt TOP 3 gạo ngon nhất thế giới vào năm 2015; năm 2018, giống gạo Lộc Trời 28 (hay còn gọi là gạo Thiên Vương) đoạt giải nhất tại Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tại Trung Quốc, trong kỳ thi này, gạo Lộc Trời 28 của An Giang vượt qua gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan…

Đối với tỉnh An Giang, năm 2020, xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 499.070 tấn,  tương đương kim ngạch đạt 270,1 triệu USD, với thị trường xuất khẩu 68 quốc gia của 5 Châu Lục (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Đại Dương). Năm 2021, xuất khẩu gạo An Giang đạt 518.000 tấn, tương đương kim ngạch 281 triệu USD. Trong những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm và chú trọng đến cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện tăng trưởng, phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, nhất là phát triển mạnh thị trường tiêu thụ mặt hàng chủ lực lúa gạo trong và ngoài nước. Hiện tại, An Giang có tổng cộng 21 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu.

Tại Phiên tư vấn, sau khi lắng nghe thông tin chia sẽ rất thực tế từ đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước, các doanh nghiệp cũng đã trực tiếp đặt câu hỏi với đại diện Thương vụ về những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hoá, các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất khẩu, thông tin thị trường và giá cả hàng hoá tại các nước.

Thông qua Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN tại tỉnh An Giang, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng đã có những định hướng, nhìn nhận xác thực hơn về thị trường, từ đó có những chiến lược xúc tiến sản phẩm vào các thị trường mục tiêu phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Cục Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư sẽ tiếp tục là cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường ASEAN trong thời gian tới.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Phương Uyên