An Giang phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực ĐBSCL
An Giang chú trọng đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Responsive image
Lăng Thoại Ngọc Hầu - Núi Sam, An Giang

An Giang hiện có 06 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 15 khu, điểm du lịch đón và phục vụ du khách cùng với các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị và nhiều loại hình dịch vụ mới hình thành. 

Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng và lợi thế, An Giang có nhiều cơ hội phát triển du lịch. Song để ngành công nghiệp "không khói" này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Núi Sam, Cù lao Giêng, Cồn Phó Ba… Song song đó, An Giang cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch bằng phương tiện thủy, hoạt động lữ hành, tạo ra môi trường du lịch thân thiện, an toàn.

Bên cạnh đó, An Giang có cơ chế chính sách mời gọi đầu tư vào hoạt động du lịch, ưu tiên đầu tư lĩnh vực lưu trú với mục tiêu tăng lên 5.000 phòng bảo đảm phục vụ một triệu lượt khách đến năm 2020. Trong đó, chú trọng vào phân khúc thị trường khách sạn hạng 4 đến 5 sao để tăng chi tiêu từ nguồn khách du lịch chất lượng cao; ưu tiên một phần nguồn ngân sách thích đáng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung và du lịch nói riêng, qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với An Giang. 

Trích nguồn: baodientu.chinhphu.vn