An Giang: núi Sam vươn tầm khu du lịch quốc gia
Núi Sam là Khu du lịch nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Tự, Chùa Hang… Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực ĐBSCL và cả nước, hàng năm thu hút gần 5 triệu lượt khách tham quan cúng bái.

Responsive image
 

Núi Sam đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia, xứng tầm là Khu du lịch đặc sắc của tỉnh An Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đã khẳng định vai trò của núi Sam đối với phát triển du lịch Việt Nam, núi Sam nằm trong danh sách các điểm đến tiềm năng để trở thành điểm du lịch quốc gia. Năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý bổ sung Khu di tích núi Sam vào danh mục các Khu du lịch quốc gia. Tháng 3-2017, Bộ VH-TT&DL đã thẩm định, nghiệm thu dự án quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây, Chính phủ đã có buổi làm việc với các sở, ngành, UBND tỉnh An Giang về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của Tỉnh. Vừa qua UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 59/CTr-UBND ngày 13/02/2017 về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Chương trình đề ra mục tiêu về đóng góp của ngành trong GRDP đến năm 2020 là 8,8% và đến năm 2025 là 15,3%, về số lượng du khách đến năm 2020 đón trên 10 triệu lượt khách và đến năm 2025 đón gần 13 triệu lượt khách. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó chủ yếu tập trung vào 4 khu du lịch trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn).

Để Khu du lịch núi Sam xứng tầm là Khu du lịch quốc gia, Tỉnh hoàn thành nâng cấp tuyến đường trục Châu Đốc - núi Sam, đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên, nâng cấp Khu du lịch núi Sam trở thành Khu du lịch quốc gia, đầu tư cảng đường thủy đón du khách tại Châu Đốc…Đặc biệt, Tỉnh đang triển khai dự án Khu Công viên văn hóa núi Sam, là công viên chủ đề Phật giáo đầu tiên trong cả nước, với các hạng mục, quy mô mang tầm vóc quốc tế. Ngoài tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, Tỉnh đã mời gọi đầu tư 23 dự án tại Châu Đốc (5 dự án tại KDL núi Sam), với quy mô 120ha và vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Điển hình như dự án Khu Văn hóa tâm linh cáp treo núi Sam do Công ty TNHH MGA Việt Nam đầu tư (diện tích 39 héc-ta), hiện nay dự án đang tiến hành giai đoạn 1 (xây dựng ga đi, khu tái định cư, san lấp mặt bằng, đường dẫn vào nhà ga) và tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai An Giang đã đăng ký đầu tư xây dựng khách sạn quốc tế tiêu chuẩn 5 sao và khu sinh thái nghỉ dưỡng, với vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Vạn Bình An đăng ký đầu tư KDL lòng hồ Trương Gia Mô và dự án hoa viên núi Sam, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Tỉnh đang triển khai các dự án cải tạo đường lên đỉnh núi Sam; xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 91 đến Trung tâm Thương mại Vĩnh Đông; tuyến đường vòng Công viên văn hóa núi Sam, tuyến đường dẫn cầu Cồn Tiên đến Khu công viên văn hóa núi Sam; nâng cấp, mở rộng đường vòng núi Sam... hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Cao Xuân Bá chia sẻ: "Việc nâng núi Sam thành KDL Quốc gia là hết sức cần thiết, để tạo cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đặc sắc của khu di tích núi Sam, đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử, đưa DL TP. Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung phát triển bền vững".

Theo baochinhphu.vn