Tìm nguồn lực phát triển giao thông và hệ thống logistics ĐBSCL
Sáng ngày 22/8, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.

Trong những năm qua, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phát triển giao thông vận tải nhưng so với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng khi công tác đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế.

Tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển là thế mạnh của vùng, dẫn đến tình trạng tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.

Đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng, khiến cho sự tăng trưởng của khu vực luôn dưới tiềm năng. Do vậy, việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020 nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch nhằm lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng là vô cùng cần thiết, giúp giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Giao thông bộ theo các trục ngang và dọc cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của toàn vùng, Bộ Giao thông vận tải cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM tới Cần Thơ để gia tăng việc vận chuyển hàng hóa.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hội nghị này cũng đặt ra phương thức đầu tư giao thông vận tải và logistics cho vùng. Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông đang mất cân đối khi 80-90% nguồn lực đầu tư tập trung cho đường bộ, hàng không chỉ chiếm 1% và còn lại là dành cho đường thủy. Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào giao thông trong vùng thì 70-80% sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT chỉ chiếm 16%. Tuy nhiên, do đặc thù về tự nhiên, xã hội của vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư vào ĐBSCL thì nguồn lực ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn vay vẫn là chủ đạo nhưng cần tăng cường tỉ lệ BOT lên để đáp ứng được nhu cầu của vùng.

Sau Hội nghị này, các cơ quan sẽ trình tới Chính phủ kế hoạch và giải pháp phát triển giao thông và dịch vụ logistics toàn vùng để Chính phủ bố trí nguồn lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Chinhphu.vn