Các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Sau một thời gian dài tập trung quy hoạch, đầu tư, nhưng đến nay, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Lãng phí

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính đến tháng 6/2016, toàn vùng ĐBSCL có 78 KCN- KCX với tổng diện tích quy hoạch 14.787,6 ha. Nhưng đến nay, diện tích lấp đầy mới đạt trên 3.688 ha, còn hơn 11.099 ha đất đang bị bỏ trống.

Việc quy hoạch quá nhiều KCN nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa cao sẽ gây lãng phí quỹ đất cho các địa phương. Các KCN quy hoạch không đúng vị trí, tính chất dàn trải, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng cũng là những nguyên nhân khiến hiệu quả các KCX- KCN đạt thấp.

Giải pháp nào?

Ðể các KCX - KCN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương vùng ĐBSCL cần xác định hành lang phát triển công nghiệp, đô thị, trên cơ sở đó phát triển hệ thống các KCN theo hướng liên hoàn, hỗ trợ nhau, đồng bộ về hạ tầng, hạn chế tình trạng hình thành các cụm công nghiệp nhỏ lẻ gây lãng phí đất đai.

Theo ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, thời gian gần đây giao thông đã tốt hơn, nên thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL không còn là vấn đề lớn. Khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào, tốt hơn Lào và Campuchia, đó là những lý do tích cực thu hút DN Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều hơn vào vùng đất này.

Theo ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) -để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, nhất là DN Hoa Kỳ, vùng ĐBSCL cần tận dụng mạng lưới kết nối trực tuyến để thu hút sự chú ý của các DN về môi trường đầu tư cũng như các chính sách thu hút đầu tư của vùng. Tập trung phát triển một số ngành sản xuất dây chuyền mà vùng ĐBSCL có thế mạnh như: May mặc, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ; đặc biệt là cơ khí và chế tạo cho ngành nông, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Các tỉnh vùng ĐBSCL cần tăng cường công tác đào tạo nghề, chuẩn bị lực lượng lao động có chất lượng phục vụ các KCN, đồng thời tính toán, đầu tư hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết lao động dôi dư khi thu hồi đất sản xuất.

Theo baocongthuong.com.vn