An Giang tham gia APEC 2017, một cơ hội vàng cho tỉnh
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) được Việt Nam đăng cai tổ chức không chỉ là dịp chúng ta quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của đất nước trong bạn bè quốc tế, mà còn là cơ hội vàng để các tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá tiếp cận với các nhà đầu tư đầy tiềm năng của địa phương.

Đối với tỉnh An Giang đã chuẩn bị nội dung tham gia, giới thiệu tại Hội nghị về tiềm năng thế mạnh và chính sách ưu đãi của tỉnh.

An Giang là tỉnh nằm phía Tây Nam của Việt Nam, Cách Thành phố Hồ Chí Minh 190 km, cách Tp. Phnom penh - Campuchia 120 km. Diện tích tự nhiên 3.537 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 70%. Dân số trên 2,15 triệu người, trong đó dân thành thị chiếm khoảng 30% và nông thôn chiếm khoảng 60%, Lực lượng lao động trong độ tuổi 1,3 triệu người; tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 50%.

Trong 3 năm qua (2014 - 2016), tăng trưởng GRDP bình quân đạt khá, tương đương bình quân của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực tăng khu vực công nghiệp và thương mại dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2016 đạt 34 triệu đồng/người/năm. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng khá, nhiều công trình đầu tư quy mô lớn ra đời; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phục vụ nhu cầu xã hội.

Điểm nổi bật là nông nghiệp, khẳng định vai trò nền tảng, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn. Đồng thời, tỉnh chủ trương khuyến khích tổ chức lại sản xuất. Tại An Giang phát triển một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả khá tốt, được nông dân ủng hộ, như: Mô hình “cánh đồng lớn” trên lúa gạo; chuỗi giá trị rau màu, thủy sản.

Thương mại - dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2016 đạt 84 ngàn tỷ đồng. Lợi thế về du lịch được phát huy, hàng năm đón trên 6 triệu lượt khách du lịch và hành hương.

Tình hình xuất nhập khẩu được duy trì với các mặt hàng xuất khẩu chính là thủy sản, lúa gạo, rau quả, may mặc. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 năm qua (2014 - 2016) đạt 2.630 bình quân 877 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thu hút đầu tư ngoài nước (FDI) tính đến tháng 6/2017 toàn tỉnh có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 220 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện là 102 triệu USD.

Đặc sản địa phương có các sản phẩm nổi tiếng trong cả nước và khách du lịch ưa thích như mắm các loại, khô cá (cá sặc rằn - cá tra phồng - cá lóc), đường thốt lốt, lạp xưởng bò An Phú, cá linh đóng hộp, xoài ba màu; sản phẩm mộc chợ mới, tranh là thốt nốt ...

Cơ sở hạ tầng An Giang được đồng bộ với vùng đồng bằng sông Cửu Longg. Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, kết nối An Giang với các tỉnh trong Vùng. Đường bộ trên địa bàn có Tuyến nối Quốc lộ 91 từ nối liền Quốc lộ 1 A với Quốc lộ 2 Vương quốc Campuchia; Quốc lộ 91C kết nối từ thành phố Châu Đốc đến cầu Long Bình với tỉnh Kandal Vương quốc Campuchia; Quốc lộ N1 đoạn đi qua địa bàn tỉnh từ Thị xã Tân Châu nối với tỉnh Kiên Giang. Giao thông thủy có Sông Tiền, Sông Hậu thuộc dòng Mekong thông ra Biển Đông và ngược dòng đến thành phố Phnom phênh - Vương quốc Campuchia thuận lợi tàu trên 10 ngàn tấn. Cảng biển Mỹ Thới năng lực tiếp nhận tàu 10.000 DWT, năng lực bốc xếp trên 3 triệu tấn/năm.

An Giang có các lợi thế hấp dẫn đầu tư nước ngoài: (1) là tỉnh giáp biên giới Vương quốc Campuchia, các cặp cửa khẩu Quốc tế đường bộ, cửa khẩu quốc tế đường thủy; (2) Có thế mạnh về nông nghiệp, trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc; nuôi trồng thủy sản nước ngọt phục vụ cho sản xuất chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu. Tiềm năng du lịch chưa được khai thác với các loại hình du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, tham quan với các địa điểm nổi tiếng như Núi cấm, rừng tràm Trà Sư, Miếu bà Chúa xứ núi Sam, khu di tích văn hóa Óc Eo; (3) Môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm cải thiện.        

Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với thông tin dự báo thị trường để chủ động tổ chức lại sản xuất, diện tích và sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường; Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ với cơ sở hạ tầng ngoài khu gồm điện, nước, thông tin, các dịch vụ kỹ thuật. phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản; phát triển làng nghề để duy trì và tạo việc làm khu vực nông thôn; Duy trì xuất khẩu sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh đã được xác định (lúa, cá, rau quả đông lạnh,…); Tập trung phát triển 04 loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, du lịch sông nước; tham quan di tích văn hóa lịch sử.

Từ những tiềm năng và định hướng đó, An Giang có 4 lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư: Nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, xử lý môi trường.

Đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo quy định chung của Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh còn ban hành cơ chế tạo quỹ đất để hấp dẫn nhà đầu tư trong các lĩnh lĩnh vực phát triển du lịch, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, công thương, thị trường bất động sản ...

Với những thông tin gới thiệu về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, hy vọng rằng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến với An Giang trong thời gian tới.

Hòa Thuận