Hiểu đúng về chủ trương xây dựng sân bay An Giang
Theo quy hoạch, sân bay An Giang không chỉ khai thác hàng không dân dụng mà còn phục vụ quân sự, đảm bảo quốc phòng. Đây là dự án cần thiết đối với địa phương có vị trí chiến lược như An Giang. Tuy nhiên, do đòi hỏi tổng vốn đầu tư lên đến 3.417 tỷ đồng, trong điều kiện còn khó khăn, lãnh đạo tỉnh đã chủ động đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải (GT-VT) chỉ xem xét đầu tư sân bay An Giang sau năm 2020 để tập trung ưu tiên cho các dự án giao thông mang tính kết nối vùng.

Cần thiết nhưng chưa cấp bách

Sau khi Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (thuộc Bộ GT-VT) công bố không đưa dự án sân bay An Giang vào kế hoạch ưu tiên xây dựng trong giai đoạn 2016-2020, một số tờ báo đã đưa thông tin kiểu như “gạch tên”, “loại bỏ”, thậm chí có tờ báo còn cho rằng, đây là “liều thuốc cho căn bệnh thích hoành tráng”… Tuy nhiên, quyết định của Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT lại phù hợp với định hướng của tỉnh An Giang, chứ không phải như một số phương tiện truyền thông cho rằng, An Giang “nghèo mà xài sang”, đua nhau “đòi” xây dựng sân bay…

Trước khi Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT công bố thông tin trên vào ngày 22-8 tại Cần Thơ, UBND tỉnh đã có ý kiến về vấn đề này tại Công văn số 1159/UBND-KTN, ngày 18-6-2016, gởi Bộ GT-VT. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đề nghị ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh có tính chất kết nối vùng ĐBSCL và Campuchia. Riêng đối với sân bay An Giang, tỉnh đề nghị xem xét đầu tư sau năm 2020. Ý kiến xin lùi thời gian xây dựng sân bay cũng đã được Sở GT-VT An Giang đề cập tại hội nghị ngày 10-8 ở Cần Thơ, khi mà trong dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GT-VT và hệ thống logistics vùng ĐBSCL, Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT đã đưa dự án xây dựng sân bay An Giang vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) giai đoạn 2016-2020. “Quy hoạch sân bay An Giang đã được Bộ GT-VT phê duyệt năm 2011. Đây là sân bay kết hợp giữa quân sự, quốc phòng và kinh tế, cần thiết cho tỉnh. Tuy nhiên, để đầu tư, triển khai xây dựng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên chỉ thực hiện khi điều kiện phù hợp” – Giám đốc Sở GT-VT An Giang Ngô Công Thức, nhấn mạnh.

Tại Công văn số 1159/UBND-KTN, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đề nghị Bộ GT-VT ưu tiên xây dựng các công trình đường bộ, gồm: Đường vào cầu Vàm Cống kết nối tuyến tránh TP. Long Xuyên; tuyến N1 Đồng Tháp – An Giang (đoạn Tân Châu đi Châu Đốc); nâng cấp Quốc lộ 91C nối từ Quốc lộ 91 đến cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình, kết nối vào cầu Long Bình; mở rộng Quốc lộ 91 từ điểm kết nối với tuyến tránh TP. Long Xuyên đến điểm giao với Quốc lộ 91C tại TP. Châu Đốc. Về đường thủy, ưu tiên nạo vét kênh Vĩnh Tế, xây dựng cảng Tân Châu theo hình thức PPP… “An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Những công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối hệ thống giao thông của tỉnh đến các cửa khẩu biên giới qua nước bạn Campuchia và các địa phương trong vùng” – Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.

Vì lợi ích chung

Trở lại dự án xây dựng sân bay An Giang, cần phải thấy rằng, dù chưa phải là yêu cầu cấp bách nhưng lại là dự án rất cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích cho riêng An Giang, mà còn vì lợi ích chung của quốc gia. Có một số ý kiến cho rằng, sân bay sẽ hoạt động kém hiệu quả do xung quanh đã có các sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, Cà Mau. Tuy nhiên, nỗi lo này là… hơi xa, bởi nếu triển khai xây dựng đúng như quy hoạch ban đầu, phải sau năm 2030, sân bay mới đưa vào khai thác hoàn chỉnh. Khi đó, quy mô dân số, lượng khách du lịch, các nhà đầu tư… đến An Giang chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi thu nhập tăng lên, nhu cầu đi máy bay cũng tăng theo. Theo kiến nghị của tỉnh và điều chỉnh của Bộ GT-VT, phải sau năm 2020 mới xem xét xây dựng sân bay An Giang. Điều đó có nghĩa, phải vài chục năm nữa, sân bay mới đưa vào khai thác, nhu cầu chắc chắn sẽ cao hơn. Hơn nữa, đây là dự án PPP – hợp tác công tư nên nguồn vốn hơn 3.400 tỷ đồng không phải hoàn toàn từ ngân sách, bởi khi thấy được lợi nhuận, doanh nghiệp mới vào đầu tư. Khi đó, dự án mới triển khai được.

Một nội dung liên quan đến sân bay An Giang mà một số phương tiện truyền thông, diễn đàn mạng “quên” hoặc ít đề cập đến là mục đích quốc phòng của công trình này, chứ không đơn thuần là khai thác hàng không dân dụng như một số địa phương khác. Theo TS. Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng), không thể bỏ dự án sân bay An Giang, bởi công trình này có ý nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển… “Vị trí chiến lược của An Giang là rất quan trọng. Trong lịch sử, chế độ cũ từng xây dựng đến 3 sân bay quân sự tại An Giang là sân bay Long Xuyên, sân bay Châu Đốc và sân bay Thất Sơn. Trong tác chiến của quân đội xác định: Tại tỉnh An Giang phải có sân bay dự bị cho chiến trường phía Tây Nam của Tổ quốc, nhằm phục vụ máy bay tiêm kích có thể xuất phát nhanh trong tác chiến. Trong khi các sân bay quân sự cũ đã chuyển công năng, không thể mở rộng thì đầu tư xây dựng sân bay mới, phục vụ quân đội kết hợp khai thác dân sự là cần thiết” - TS. Tùng phân tích.

Ngay trong phê duyệt quy hoạch sân bay An Giang theo Quyết định số 1166/QĐ-BGTVT, ngày 2-6-2011, của Bộ GT-VT, phần đất khu quân sự được quy hoạch 31,25 héc-ta, gần tương đương với phần đất cho khu hàng không dân dụng (34,2 héc-ta), trong tổng diện tích 235 héc-ta của sân bay.

Nguồn Báo An Giang