Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp diễn ra sáng nay (25/8), tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: sau 3 năm (2013-2015) thực hiện đề án TCC nông nghiệp, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, hiện có 7 mặt hàng có vị trí xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: gạo, cao su, cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả, sắn.

Theo đánh giá của các đại biểu tại buổi làm việc, quá trình thực hiện TCC nông nghiệp kết quả mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế; Tăng trưởng của ngành chưa bền vững; Triển khai TCC chưa đồng bộ và không đồng đều ở các địa phương, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản còn thấp….

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được thì về tổng thể sức cạnh tranh nông sản của chúng ta chưa cao, chuỗi giá trị còn ngắn, thị trường các mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn bấp bênh như: gạo, thủy sản, thậm chí có một số thị trường giảm.. An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề rất nan giải, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp còn thấp.

Để đẩy mạnh thực hiện TCC nông nghiệp trong giai đoạn tới, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần hình thành 3 trục phát triển.Thứ nhất, cấp quốc gia lựa chọn 10 sản phẩm có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường quốc tế; Trục thứ 2, sản phẩm cấp tỉnh có tính chất đặc thù đại phương, cần tính toán đến thị trường nội và xuất khẩu; Thứ 3, sản phẩm quy mô cấp địa phương, mặc dù địa phương nhưng công nghệ tiên tiến, thị trường tại chỗ và thị trường xuất khẩu, làm theo hướng mỗi làng một sản phẩm. Phải coi thị trường là động lực sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Trong thời gian tới, để thực hiện TCC hiệu quả, tôi đề nghị quá trình TCC nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường. Cần xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường các nước chủ lực; xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo nên những sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao, giá trị cao; yêu cầu phát triển những sản phẩm chủ lực từ cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương để khai thác triệt để thế mạnh từng vùng. Bên cạnh đó, TCC nông nghiệp phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đồng thời, TCC nông nghiệp phải gắn với sắp xếp ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Ngoài nguồn vốn hơn 43.000 tỷ đồng đã được bố trí, Bộ NN&PTNT tiếp tục kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm tối thiểu 96.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thực hiện thành công TCC nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Theo baocongthuong.com.vn