Tích tụ ruộng đất là việc cần phải làm để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và đối mặt với rất nhiều rủi ro nếu tự mình tổ chức sản xuất, họ có thể cho doanh nghiệp thuê đất hình thành cánh đồng lớn để doanh nghiệp tự đầu tư, vận hành. Tích tụ ruộng đất là việc cần phải làm để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong xu hướng hội nhập hiện nay.

Theo Ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang cho biết: hiện các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa: quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, và chi phí sản xuất thấp nhất.

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ cần liên kết lại với nhau để hình thành một cánh đồng lớn (tích tụ ruộng đất), trong đó doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối, cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho nông dân, còn nông dân chỉ việc lo sản xuất. Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa mà An Giang đã thực hiện trong sản xuất lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, cá tra…

Ngoài ra, An Giang đã triển khai thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất theo quy mô trang trại của Công ty Hoàng Vĩnh Gia tại huyện Tri Tôn đã tích tụ được 400 ha đất hay mô hình Hợp tác xã: HTX xoài, HTX rau màu, HTX lúa gạo kiểu mới… HTX không phải do những cán bộ nhà nước về hưu quản lý mà do các doanh nghiệp điều hành, chọn ra một số nông dân có kinh nghiệm đưa vào ban chủ nhiệm…

Một dạng mô hình tích tụ ruộng đất theo dạng liên kết sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời và 5 HTX kiểu mới sản xuất lúa chất lượng cao, sắp tới Tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm sản xuất cây lúa hữu cơ với quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chế phẩm…

Theo thesaigontimes.vn