Triển khai Kế hoạch Nâng cao chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2019
Theo kết quả điều tra chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số PCI năm 2018 của An Giang đạt 63,65 điểm; xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố và trở lại nhóm điều hành “khá” (tăng 1,49 điểm và tăng 04 bậc so với năm 2017). So với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang đứng thứ 6/13 (tăng 01 bậc); xếp trên Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số PCI An Giang tăng điểm và tăng hạng. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 05 chỉ số tăng điểm so với 2017: Cạnh tranh bình đẳng (+1,9 điểm), Tiếp cận đất đai (+1,24 điểm), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (+0,25 điểm), Chi phí không chính thức (+1,88 điểm), Chi phí thời gian (+0,69 điểm) và có 05 chỉ số giảm điểm: Chi phí gia nhập thị trường (-1,71 điểm), Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (-0,78 điểm), Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo (-0,22 điểm), Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (-0,11 điểm), Đào tạo lao động (-0,11 điểm).

Responsive image
 

Với mục tiêu tiếp tục cải thiện vị trí so với cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm phấn đấu giữ tỉnh An Giang là một trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước. Nâng cao chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cao hơn năm trước. Duy trì và phát huy các chỉ tiêu được đánh giá tăng điểm như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Kế hoạch Nâng cao chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2019 của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đề ra một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Tăng cường và phát huy hiệu quả tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp

- Duy trì tổ chức 05 hội chợ thường niên cấp tỉnh, cấp vùng và quốc tế như: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao; Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên; Nâng cấp Hội chợ biên giới An Phú lên cấp Quốc tế và sử dụng nguồn xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019; Hỗ trợ và phối hợp địa phương tổ chức hội chợ thương mại cấp huyện (Hội chợ Thương mại Tri Tôn, Hội chợ Thương mại Tân Châu....) gắn với sự kiện văn hóa trên địa bàn mang lại hiệu quả cao hơn năm trước.

- Tích cực tham gia Hội chợ ngoài tỉnh để triễn lãm, trưng bày, giới thiệu về tình hình kinh tế xã hội, các dự án kêu gọi đầu tư, hàng hóa sản phẩm đặc sản của An Giang (tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, ...)

- Tham gia Hội chợ ngoài nước tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, tháng 9/2019.

- Thông tin cho các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ trong và ngoài nước.

- Tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp với các nhà phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ trái cây, nông sản, thủy sản, sản phẩm đặc sản, ...

            - Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nối kết cung cầu và quảng bá hình ảnh du lịch An Giang với các đối tác trong và ngoài nước.

- Tổ chức triển khai thực hiện Dự án Quảng bá du lịch An Giang với hình thức là Trung tâm thông tin truyền thông du lịch về: ăn, ở, đi lại, bản đồ du lịch, các ấn phẩm, sách hướng dẫn giới thiệu về các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí theo tinh thần Thông báo số 288/TB-VPUBND tỉnh An Giang ngày 09/7/2019.

- Làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ du lịch ở An Giang với du khách, giúp du khách lên kế hoạch tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận.

2. Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

- Phối hợp Sở ngành nắm thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc về sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường để thể hỗ trợ kịp thời.

- Khảo sát nhu cầu doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường để có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành liên quan lựa chọn xây dựng thương hiệu cho khoảng 10 - 20 sản phẩm trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, sản phẩm làng nghề, ... 

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp trong quá trình hội nhập 

- Thu thập thông tin cập nhật Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đưa lên trang thông tin điện tử Trung tâm Xúc tiến, cổng thông tin điện tử tỉnh để các doanh nghiệp biết.

- Cập nhật thông tin, bài viết về cảnh báo, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các đối tác để kịp thời phổi biến cho doanh nghiệp.

- Tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường và đối tác trên cơ sở kết quả các báo cáo nghiên cứu thị trường của các Bộ Ngành Trung ương.

- Tổ chức 1-2 lớp tập huấn giới thiệu các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam để doanh nghiệp nắm bắt thông tin và thiết lập mối quan hệ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.

- Tổ chức, tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xuất khẩu để giới thiệu và kết nối doanh nghiệp tỉnh với doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

4. Tăng cường hoạt động tìm kiếm thông tin thị trường

- Nâng chất lượng hoạt động trang web của trung tâm về thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Khai thác thông tin của các tổ chức trong và ngoài nước để cung cấp cho doanh nghiệp.

- Thường xuyên quan hệ phối hợp với Sở ngành, huyện thị thành phố về hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, thông thị thị trường nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đối với cộng đồng doanh nghiệp.

- Phối hợp Sở ngành kiến nghị, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư. Xây dựng Chương trình xúc tiến thị trường cho các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

- Duy trì mối quan hệ với VCCI, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư; cung cấp thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp nhà đầu tư đầu tư trong và ngoài nước.

5. Xã hội hóa dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, khoa học công nghệ, đào tạo kế toán, quản trị kinh doanh, tư vấn pháp luật.

- Phối hợp Sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

- Liên kết phối hợp với các tổ chức xúc tiến tư nhân, tổ chức nước ngoài cung ứng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, kết nối doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, đào tạo, ...

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp về chỉ số và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ số được phân công để báo cáo UBND tỉnh.

Tuyết Hương