An Giang thu hút đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
An Giang được biết đến là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là “cái nôi” truyền thống nuôi cá tra, ba sa của vùng. Hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 4 triệu tấn, sản lượng thủy sản khoảng 287.000 tấn, trong đó cá tra, cá ba sa đạt gần 230.000 tấn. Ngoài ra, An Giang cũng là nơi có diện tích trồng rau màu lớn trong vùng với khoảng 65.000 ha. Ngành nông nghiệp và thủy sản đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của địa phương, mỗi năm tỉnh An Giang thu về khoảng trên 250 triệu USD từ xuất khẩu gạo, gần 400 triệu USD từ xuất khẩu thủy sản và giá trị xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt khoảng 13 triệu USD/năm.

 
 

Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) đến năm 2020 với 8 nhóm ngành hàng chính gồm: lúa, rau màu, cá tra (nhóm ngành hàng chủ lực), cây dược liệu, sản phẩm nấm ăn, hoa-cảnh, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm. (nhóm ngành hàng tiềm năng). Chủ trương của tỉnh là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản, phát triển chăn nuôi; giảm tỷ trọng ngành trồng trọt...Trong trồng trọt, chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa cây trồng, giảm diện tích lúa ở những nơi trồng không hiệu quả, tăng diện tích trồng rau màu, phát triển cây rau màu là sản phẩm chủ lực thứ ba của tỉnh (sau cá tra và lúa).

Trong thời gian qua, diện tích canh tác rau, màu của tỉnh An Giang phát triển nhanh và đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất rau màu lớn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các loại rau màu đặc trưng của tỉnh là: đậu nành rau, đậu bắp, bắp thu trái non, bắp nếp, các loại đậu… Một số cây màu khác đạt lợi nhuận cao gấp nhiều lần so trồng lúa như: đậu bắp giống Nhật, ớt, đậu phộng, mè đen... Theo qui hoạch, đến năm 2020, diện tích các vùng chuyên canh sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh An Giang là 26.000 ha, chiếm 65% tổng diện tích có thể xây dựng vùng chuyên canh rau màu toàn tỉnh.

Để thực hiện thành công Đề án TCCNN của cả nước nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng, đầu tư cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những yếu tố rất quan trọng. Nếu tính trên 3 ngành hàng chủ lực mà tỉnh An Giang chọn để thực hiện TCCNN là: lúa, rau màu, cá tra, thì hiện nay mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa được thực hiện khá tốt. Toàn tỉnh có trên 6.000 máy kéo các loại đảm nhận cơ khí hóa khâu làm đất trên 98% diện tích đất canh tác. Khâu tưới tiêu, có trên 98% diện tích đất canh tác trên địa bàn tỉnh được tưới tiêu bằng máy động lực. Khâu thu hoạch lúa, tính trong vụ Đông xuân 2015- 2016, toàn tỉnh có 2.250 máy gặt đập liên hợp các loại, diện tích phục vụ thu hoạch trên 200.000 ha, đạt 98% diện tích. Đối với khâu sấy lúa, toàn tỉnh hiện có 2.431 máy sấy các loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu sấy trên sản lượng thu hoạch.

Tuy nhiên, trong sản xuất rau màu- một trong 3 ngành hàng chủ lực của tỉnh, hiện nay mức độ cơ giới hóa còn rất thấp. Từ khâu làm đất, gieo hạt, phun tưới, bón phân, thu hoạch…hầu như được làm thủ công, sử dụng sức lao động là chính. Rau màu phần lớn được trồng ngoài trời, không có nhà lưới che phủ nên dễ bị sâu bệnh tấn công và lệ thuộc quá nhiều vào tác động của thời tiết. Đặc biệt, khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến công nghiệp và đóng gói thì lại càng hạn chế. Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ có Công ty Antesco và Ecofarm hoạt động trong lĩnh vực chế biến, đóng gói cũng như xuất khẩu rau màu các loại. Tuy nhiên, số lượng thu mua và chế biến chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nông dân. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm rau màu của tỉnh đều bán cho thương lái mà không qua sơ chế bảo quản, từ đó làm cho tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn, làm giảm giá trị sản phẩm, giảm lợi nhuận cho nông dân.

Tương tự trong chăn nuôi, mức độ cơ giới hóa cũng còn rất thấp, các hộ chăn nuôi gia đình, các trang trại và kể cả doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay sử dụng hệ thống chuồng trại công nghệ bán tự động là chính.

Từ thực tế nếu trên, nhu cầu thu hút đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở An Giang là cần thiết. Đó là thu hút đầu tư trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống phun tự động, hệ thống bón phân tự động...vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, rau an toàn…; nâng cấp công nghệ trồng trọt và công nghệ chế biến, xử lý - kiểm dịch, bảo quản, đóng gói phục vụ cho xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng như : EU, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand…nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho ngành hàng rau màu của tỉnh. Cụ thể là các dự án: Đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ (nhà màng, nhà lưới), thiết bị tưới phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; dự án đầu tư xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng nông sản, thủy sản chuẩn quốc tế đảm bảo khả năng kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra tiêu dùng hoặc xuất khẩu; dự án xây dựng nhà máy sản xuất máy nông cụ và máy thu hoạch, sơ chế rau màu và cây ăn quả…

Riêng đối với sản xuất lúa, tỉnh kêu gọi đầu tư vào cơ giới hóa các khâu: gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc, đây là các khâu có mức độ cơ giới hóa còn thấp, chủ yếu vẫn là lao động thủ công, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, đảm bảo tính đồng bộ của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đối với chăn nuôi bò và ngành hàng nấm rơm, hiện nay, việc thu gom rơm gặp nhiều khó khăn, do rơm sau thu hoạch bởi máy gặt đập liên hợp bị phun rãi trên ruộng. Vì vậy, việc đầu tư máy cuốn rơm để thu gom rơm nguyên liệu làm thức ăn cho bò cũng như làm nấm đang là nhu cầu cần thiết…

 Nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 về ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm tái cơ cấu của tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo dạng chuỗi khép kín…

Theo Báo Đầu tư