Thị trường ngách đang là điểm đến an toàn cho gạo Việt Nam
Cùng với Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam đang là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo với số lượng từ 6-8 triệu tấn/năm, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước từ 3-3,7 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, dù xuất khẩu được nhiều nhưng giá trị mang lại vẫn còn thấp do hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu riêng.

Điểm đến an toàn

Không thương hiệu, thiếu thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất hay truy xuất được nguồn gốc... là những điểm yếu khiến xuất khẩu gạo Việt Nam khó thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Một nguyên nhân nữa mà không ít chuyên gia trong ngành đều thẳng thắn thừa nhận, chất lượng hạt gạo không đồng đều và sử dụng quá nhiều giống khác nhau.

Điều này đã dẫn tới việc hạt gạo Việt Nam sau khi thu hoạch có tính cạnh tranh thấp, phân khúc thị trường cũng từ đó giảm theo nhường chỗ cho các nước lân cận xâm chiếm những thị trường “màu mỡ.”

Còn những thị trường nhỏ hay gọi là thị trường “ngách” mà xưa nay bị lãng quên lại đang là điểm đến an toàn cho hạt gạo Việt Nam thay vì những thị trường lớn với tiêu chuẩn cao.

Theo nhận định từ các chuyên gia, năm nay và những năm tiếp theo được đánh giá sẽ là thời điểm của phân khúc gạo thực sự chất lượng, bởi hiện thị trường đã bão hòa và cạnh tranh bằng sản lượng không còn là giải pháp.

Tìm kiếm cơ hội mới

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh sở dĩ gạo Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh vì thiếu định vị và hình ảnh; chưa tập trung phân khúc cao cấp với giá trị cao và thiếu gắn kết chuỗi giá trị nên phát triển chưa bền vững.

Vì thế, khi xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới hành vi người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu, chọn thị trường ngách cho sản phẩm, nhận diện thương hiệu phải đồng bộ, dễ nhận diện, gây được sự chú ý cho khách hàng.

Ngoài ra, xây dựng thương hiệu gạo, không chỉ tiêu thụ trực tiếp qua siêu thị, mà hiện nay với công nghệ thông tin ngày càng phát triển, doanh nghiệp phải chú ý tới việc bán hàng qua mạng, marketing online, xây dựng thương hiệu qua hệ sinh thái website.

Một số doanh nghiệp bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường như gạo Ngọc Đồng của doanh nghiệp Gentraco, Hương Lúa của ITA Rice, Tứ Quý thuộc ADC, gạo hữu cơ Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú, gạo Bảy Núi-Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Xoan Hải Hậu...

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục củng cố, giữ vững thị phần các loại gạo có chất lượng trung bình trở lên tại các thị trường tập trung truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia, Timo Leste (gạo trắng hạt dài, thơm hoặc không thơm).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường Singapore, Malaysia, Timo Leste, Brunei (gạo trắng chất lượng cao, kích cỡ đồng đều).

Với thị trường Trung Quốc, từng bước đưa gạo có chất lượng, thương hiệu và có giá cao hơn vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp và bền vững (gạo trắng, gạo thơm, dẻo cơm; gạo nếp, gạo làm bún, bánh).

Riêng khu vực thị trường châu Phi, Trung Đông, gạo chất lượng, chế biến sâu (gạo thơm, gạo đồ) được tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Ai Cập, Algeri, Maroc, Cộng hòa Nam Phi, Angola, Mozambique, Bờ Biển Ngà....

Tại các thị trường mới và khó tính như châu Âu, châu Mỹ, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký như FTA Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ thị trường xuất khẩu chính rất quan trọng, nhưng những thị trường nhỏ, thị trường ngách cũng quan trọng không kém.

 

Trích nguồn: vietnamplus