THỦ TỤC XUẤT – NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TẠI VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA 2019

 

  1. Giới thiệu

Campuchia có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, với một cảng nước sâu lớn tại Vịnh Thái Lan, quốc gia này có chung biên giới đất liền với Việt Nam và Thái Lan.

Năm 2017, Campuchia xuất khẩu hàng hóa trị giá 15,8 tỷ USD và nhập khẩu 12 tỷ USD. Các điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Campuchia gồm: Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc, Canada… Các nguồn nhập khẩu hàng đầu của Campuchia gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Singarpore, HongKong, Thái Lan…

  1. Điểm chính trong thủ tục thông quan hàng hóa tại Campuchia

  1. Đăng ký

  • Cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu trước tiên cần phải đăng ký với Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia (https://www.businessregistration.moc.gov.kh/)

  • Campuchia sử dụng Hệ thống kê khai hải quan tự động (ASYCUDA) tuân thủ quy định của Hội nghị Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Để đăng ký với ASYCUDA, nhà nhập khẩu/xuất khẩu yêu cầu Số nhận diện người đóng thuế (Taxpayer Identification Number – TIN). Để có được số TIN này, nhà nhập khẩu/xuất khẩu phải đăng ký với Tổng cục thuế - Bộ Kinh tế và Tài chính Vương quốc Campuchia. (http://www.tax.gov.kh/en/download.php)

  • Cuối cùng, nhà nhập khẩu/xuất khẩu phải đăng ký với Tổng cục hải quan và thuế - Vương quốc Campuchia. (http://www.customs.gov.kh/en_gb/)

  • Sau đó, nhà NK/XK cần đăng ký tài khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) với Tổng cục thuế - Bộ Kinh tế và Tài chính Vương quốc Campuchia.

  • Nhà NK/XK hoạt động trong Khu kinh tế đặc biệt/Đặc khu kinh tế (Special Economic Zones – SEZs) phải nộp đơn với Cục quản lý khu vực tư do của Tổng Cục hải quan và thuế ở Phnom Penh – Vương quốc Campuchia.

  1. Hồ sơ yêu cầu

    1. Đối với nhà xuất khẩu

  • Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Campuchia phải cung cấp các tài liệu sau đây khi hàng hóa cập cảng:

+ Tờ khai hải quan (xuất/nhập khẩu) (Customs Import Declaration)

+ Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)

+ Danh sách hàng hóa (Packing List)

+ Vận đơn đường bộ (Road Transport Document) (nếu di chuyển bằng đường bộ)

+ Vận đơn (Bill of Lading) (nếu di chuyển bằng đường biển)

+ Giấy phép xuất/nhập khẩu (Import/Export Permit)

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate)

+ Chứng nhận thuế (Tax Certificate)

+ Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin)

+ Giấy phép thành lập công ty (Company Registration)

  1. Đối với nhà nhập khẩu

  • Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia phải cung cấp những tài liệu sau đây:

+ Tờ khai hải quan (xuất/nhập khẩu) (Customs Import Declaration)

+ Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)

+ Danh sách hàng hóa (Packing List)

+ Vận đơn đường bộ (Road Transport Document) (nếu di chuyển bằng đường bộ)

+ Vận đơn (Bill of Lading) (nếu di chuyển bằng đường biển)

+ Biên lai xếp dở hàng (Terminal Handling Receipts (nếu di chuyển bằng đường biển)

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate)

+ Chứng nhận thuế (Tax Certificate)

+ Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin)

  1. Tài liệu bổ sung cho một số hàng hóa xuất-nhập khẩu

  • Tất cả thực phẩm, hóa chất, dược phẩm và thiết bị điện tử khi xuất khẩu vào Campuchia phải được giám định trước khi thông quan. Việc giám định này được thực hiện bởi Camcontrol – Tổng cục thanh tra xuất nhập khẩu và phòng chống gian lận – Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia. 

  • Tất cả loài động vật (còn tươi sống hoặc đã chết), cũng như các sản phẩm phụ từ động vật cần được sự cho phép của Bộ Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (http://web.maff.gov.kh/?lang=en)

  • Tất cả các loại thực vật và sản phẩm thực vật yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của Bộ Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia

  • Một danh sách đầy đủ các hàng hóa xuất – nhập khẩu với mã HS, khai báo thuế quan phù hợp, các biện pháp bổ sung có thể xem them tại đây : https://www.cambodiantr.gov.kh/index.php?r=tradeInfo/listAll

  1. Đối với hàng hóa quá cảnh

  • Hàng hóa quá cảnh tại Campuchia để đến nước thứ ba phải cung cấp tờ khai nhập khẩu theo quy định quá cảnh của Campuchia (do Tổng Cục hải quan và thuế cấp).

  • Hàng hóa quá cảnh qua Campuchia phải cung cấp các tài liệu sau:

+ Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)

+ Danh sách hàng hóa (Packing List)

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate)

+ Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin)

  • Hàng hóa quá cảnh không phải chịu thuế nhập khẩu. Nhưng cần cung cấp séc (check) hoặc thư bảo lãnh do tổ chức tài chính phát phải để bảo đảm cho hàng hóa quá cảnh. Hàng hóa quá cảnh phải đi theo tuyến đường do cơ quan hải quan Vương quốc Campuchia chỉ định.

  1. Thuế quan & Thuế

  • Thuế quan và thuế

  • Campuchia tuân theo Bộ luật Hệ thống hài hòa 8 chữ số (mã HS) thuộc Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Phân loại thuế quan của Campuchia đồng thuận với (ASEAN) Danh pháp hài hòa thuế quan Asean (AHTN).

  • Dành cho nhà nhập khẩu:

  • Campuchia áp dụng thuế suất từ ​​0 đến 35 phần trăm. Thông thường, hàng hóa và nguyên liệu thô phải chịu mức thuế 7%; hàng hóa vốn và nguyên liệu sẵn có tại địa phương mức thuế suất 15% và; thành phẩm cũng như rượu, xăng dầu, xe cộ và kim loại quý với mức thuế suất 35%.

  • Để biết thông tin chi tiết về thuế suất, hãy truy cập trang web của Kho lưu trữ thương mại quốc gia Campuchia https://www.cambodiantr.gov.kh/index.php?r=tradeInfo/listAll. Các mặt hàng như thiết bị nông nghiệp, vật liệu trường học, dược phẩm và thiết bị thể thao được miễn thuế nhập khẩu.

  • Campuchia tính thuế giá trị gia tăng 10% (VAT) cho tất cả hàng hóa nhập khẩu. Campuchia cũng tính thuế đặc biệt đối với một số hàng hóa nhập khẩu.

  • Dành cho nhà xuất khẩu

  • Campuchia đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa rời khỏi đất nước nằm trong khoảng từ 0 đến 50%.

  • Khu kinh tế đặc biệt (SEZs)

  • Campuchia đã thành lập 34 Đặc khu kinh tế (SEZs) cho đến nay - bao gồm cả tại cảng Sihanoukville. Các doanh nghiệp hoạt động trong các SEZ này có thể nhập nguyên liệu thô và thiết bị sản xuất mà không phải trả thuế nhập khẩu và được miễn thuế VAT cho cả nhập khẩu và xuất khẩu.

  • Như đã đề cập ở trên, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu hoạt động trong các Đặc khu kinh tế (SEZs) yêu cầu tài liệu bổ sung.

  1. Các hiệp định thương mại tự do:

  1. Đối với quốc tế:

  • Campuchia là đối tác của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN và là thành viên của năm khu vực vùng lãnh thổ thông qua FTA của ASEAN với: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

  • Để tận dụng những lợi ích của các FTA này, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu phải xin Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của họ từ Cục xuất nhập khẩu.

  1. Đối với Việt Nam:

  • Ngày 26/2/2019, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước. (CV số 08/2019/TB-LPQT)

- Hai bên đã thỏa thuận như sau:

+ Tất cả mặt hàng có xuất xứ từ VQ Campuchia, nêu tại Phụ lục I của Bản Thỏa thuận, khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đều được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 0%. Riêng số lượng được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 0% đối với các mặt hàng gạo:

a Năm 2019: 300.000 tấn gạo:

b Năm 2020: 300.000 tấn gạo:

* Hai Bên quy định tỷ lệ quy đổi: 2 kg thóc = 1 kg gạo.

+ Tất cả các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam nêu tại Phụ lục II, khi nhập khẩu vào VQ Campuchia, đều được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 0%. (Gồm có các loại nông sản: cà chua, cà rốt, củ cả, diếp củ, dưa chuột, đậu nành rau, bí, dứa, ổi xoài, măng cụt, cam, dưa hấu…) 

+ Đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về Việt Nam thì áp dụng theo các quy định và văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam và Campuchia. Số lượng các mặt hàng này không tính vào số lượng nêu tại Điều 3 và Điều 4.

+ Đối với hàng nông sản có xuất xứ từ Campuchia do các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam đề tái xuất đi các thị trường khác, sẽ được áp dụng theo cơ chế tạm nhập tái xuất của Việt Nam và các Hiệp định khu vực và quốc tế mà hai nước tham gia ký kết và không tính vào số lượng nêu tại Điều 3 và Điều 4.

Chi tiết công báo: https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/thong-bao-08-2019-tb-lpqt-bo-ngoai-giao-172071-d6.html

  1. Kết luận

    Campuchia là thị trường xuất khẩu quan trọng cần khai thác, Với lợi thế đường biên giới chung đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia; có 10 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ; khoảng cách từ Việt Nam (tỉnh An Giang) đến Phnom Penh chỉ có 163 km; đây là những điều kiện thuận lợi để các mặt hàng của Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Campuchia, cộng với thị hiếu người tiêu dùng Campuchia khá tương đồng với người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp An Giang nói riêng còn nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường. 

 

* Nguồn tham khảo:

 

- Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020.

- Công cụ giám sát độ phức tạp nền kinh tế OEC (oec.world)

- Kho lưu trữ thương mại Vương quốc Campuchia (Cambodia National Trade Repository)

- Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia.

- Tổng cục thuế - Bộ Kinh tế và Tài chính Vương quốc Campuchia.

- Tổng cục hải quan và thuế - Vương quốc Campuchia.

 

Tấn Thành