XUẤT KHẨU QUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Responsive image
 

Hiện nay, xuất khẩu đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Xuất khẩu qua thương mại điện tử là một kênh phổ biến đã được các nước trên thế giới triển khai, là cánh cửa đưa doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. Tại Việt Nam, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ngày 30/6/2019 làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử giữa các bên. Bên cạnh đó, tranh chấp thương mại giữa Mỹ  và Trung Quốc làm các nhà nhập khẩu Mỹ - Trung phải đi tìm nguồn cung thay thế từ những nước không bị ảnh hưởng bởi đối đầu thương mại, không bị chính phủ 2 nước áp thuế, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu Việt Nam tiếp thị sản phẩm đến 2 thị trường lớn này.  

Trong bối cảnh đó, trên 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Trong đó, những nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và thị trường trên toàn cầu. Nếu xuất khẩu theo hình thức truyền thống, doanh nghiệp lớn luôn có lợi thế trong tìm kiếm mở rộng thị trường, quảng bá, tham gia hội trợ, triển lãm, còn doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc này bởi ngân sách hạn hẹp. Thì với xuất khẩu trực tuyến, cơ hội chia đều cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, không phân biệt ranh giới, thị trường.

Amazon của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc là hai ông lớn sở hữu nền tảng bán hàng qua mạng đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng thông qua nhiều cuộc tiếp xúc và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian gần đây, mở ra cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng trên khắp thế giới cho doanh nghiệp Việt.

 

Amazon là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, là website bán lẻ hàng đầu đến hàng triệu khách hàng trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 1/2019, Cục Xúc tiến thương mại công bố kế hoạch hợp tác tầm nhìn 3 năm với Amazon Global Selling. Kế hoạch phối hợp này gồm chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử. Tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại khởi động chương trình “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử” và thí điểm lựa chọn 100 doanh nghiệp tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon.

Với Alibaba, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia sàn này cũng bán hàng thành công, gia tăng được doanh số. Alibaba.com là sàn thương mại điện tử B2B dẫn đầu thế giới ở thời điểm hiện tại. Thông qua Alibaba, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm tới hơn 260 triệu khách hàng doanh nghiệp trên hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới. Khi đăng ký gian hàng tại Alibaba.com, doanh nghiệp sẽ phải trải qua giai đoạn xác thực gian hàng, khi có được chứng chỉ uy tín của Alibaba toàn cầu, doanh nghiệp sẽ trở thành đối tác ưu tiên của những nhà nhập khẩu. Hiện nay, có nhiều đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký gian hàng trên Alibaba với các dịch vụ đào tạo cách vận hành một doanh nghiệp trên môi trường online, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các công cụ để nhanh chóng tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Tuy nhiên, xuất khẩu qua thương mại điện tử cũng gặp không ít thử thách như: nguồn lực để triển khai tại doanh nghiệp; hạn chế về nơi đào tạo kỹ năng, cách thức marketing, bán hàng , nghiên cứu thị trường để lên chiến lược cụ thể phù hợp; rào cản về ngôn ngữ; thủ tục và giấy phép liên quan xuất khẩu trực tuyến; vận chuyển trong thương mại điện tử. Tại Việt Nam, chi phí logistic trong thương mại điện tử chiếm tỷ trọng khá cao là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu trực tuyến. Vẫn chưa có giải pháp tối ưu cho các đơn hàng số lượng vừa và nhỏ, không đủ tải trọng cho 1 công hàng khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc theo dõi lộ trình hàng hóa. Đây là hình thức còn mới lạ ở Việt Nam nên Nhà nước chưa có các quy định và giải pháp linh hoạt để phát huy những lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của hình thức thương mại tiên tiến này. 

Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp cần chủ động trau dồi kiến thức về công nghệ, tìm kiếm các kênh hỗ trợ thông tin từ các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, tổ chức, công ty chuyên ngành công nghệ. Doanh nghiệp cần chú ý lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro. Ngoài ra, đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến mới có thể khai thác những thế mạnh của thương mại điện tử so với phương thức truyền thống. Trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm cả những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tuyến tới người tiêu dùng.

Bích Phương