Nguồn cung thóc từ thu hoạch tại Thái Lan và Việt Nam tiếp tục tăng, tạo áp lực lên thị trường trong thời gian tới
Theo VFA, nhu cầu trên thị trường gạo hiện nay vẫn chưa rõ ràng và thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm nay. Trong khi đó, nguồn cung thóc từ thu hoạch tại Thái Lan và Việt Nam tiếp tục tăng, tạo áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Vào tuần trước, tâm lý thị trường cải thiện hơn sau khi Ai Cập cho biết sẽ xem xét nhập khẩu 500.000 – 700.000 tấn gạo. báo chí cũng cho hay Philippines đang cân nhắc mua thêm 1 triệu tấn gạo, với 500.000 tấn nhập trước cuối năm 2018 và số còn lại nhập trong năm 2019.

Nhu cầu mua hàng của châu Phi, dù đang tăng, nhưng khối lượng cũng không bằng cùng kỳ năm trước và chỉ tập trung vào gạo Thái Lan. Tại Thái Lan, thương nhân trong nước đang giữ tồn kho vì hầu hết đều nhận thấy nhu cầu từ châu Phi đang tăng. Ngược lại, tâm lý thị trường Ấn Độ khá yếu vì nhu cầu mua hàng từ châu Phi giảm do chuyển qua mua gạo Thái Lan.

Hiện, Trung Quốc đã ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) với Thái Lan để mua ít nhất 10.000 tấn gạo Kor Khor 43. Gạo này sẽ được bán ở Trung Quốc thông qua cả hai kênh truyền thống và trực tuyến. Thái Lan đang đẩy mạnh các chiến dịch xuất khẩu gạo cao cấp sang Trung Quốc với kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ lên hơn 10.000 tấn trong năm nay.

Tại Myanmar, giá gạo tấm tăng nhẹ nhờ nhu cầu mua hàng từ châu Âu. Bộ Thương mại nước này cho biết đang thảo luận với chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để xuất khẩu 1 triệu tấn gạo.

Hàn Quốc trao thầu 60.000 tấn gạo lứt japonica và 2,800 tấn gạo trắng hạt dài cho Công ty Tập đoàn Tân Long.

 

Theo NDH