Điểm tin thị trường lúa gạo
Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo trong năm nay. Các nhà xuất khẩu Thái Lan dự báo giá gạo sẽ còn giảm thêm nữa khi thu hoạch vụ lúa mới, vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, kéo dài tới tháng 8.

 
 

Một số người cho rằng nhu cầu vẫn chậm bởi khách hàng chờ tới khi giá giảm nữa mới mua vào. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết các nhà nhập khẩu chủ chốt đã mua đủ gạo từ đầu năm và nhận định giá sẽ ổn định cho tới tháng 8. Bộ này cũng kỳ vọng vào hợp đồng liên chính phủ ký với Trung Quốc (100.000 tấn gạo) cũng như các hợp đồng của tư nhân ký với các nhà nhập khẩu lớn là Indonesia, Bangladesh và một số nước châu Phi.

Ấn Độ có thể giảm 10% xuất khẩu gạo do nhiều nước hạn chế nhập khẩu

Sau năm 2017 tăng mạnh, xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2018 dự báo sẽ giảm 10% do một số khách hàng chủ chốt hạn chế nhập khẩu.

Bangladesh đã áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu; Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu. Như vậy, xuất khẩu gạo non-basmati sang Bangladesh và gạo basmati sang EU dự báo sẽ giảm. Bangladesh chiếm 18% trong tổng khối lượng 8,5 triệu tấn gạo non –basmati xuất khẩu của Ấn Độ, trong khi EU chiếm gần 10% gạo basmati xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu gạo trực tiếp từ Ấn Độ, nhờ đó có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trên từ nửa cuối của tài khóa này.

Nhập khẩu gạo của Nigeria sẽ tăng do nhu cầu mạnh lên và sản lượng giảm

Nigeria, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chắc chắn sẽ tăng 12% khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2018/19 do nhu cầu tăng trong bối cảnh sản lượng trong nước sụt giảm vì chi phí cao.

Nhập khẩu gạo của Nigeria dự báo sẽ tăng lên 2,9 triệu tấn trong năm 2018/19, từ mức 2,6 triệu tấn của năm 2017/18, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Có một số lý do dẫn tới thực tế này, đó là xung đột, dân số tăng và người dân tăng cường sử dụng gạo trong các bữa ăn. Nigeria là nước đông dân nhất châu Phi với khoảng 200 triệu người.

Dự báo sản lượng gạo sẽ giảm trở lại đúng lúc Chính phủ có kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo vào cuối năm nay để tiết kiệm ngân sách. Sản lượng gạo nước này đã tăng gần 50% trong 5 năm qua, lên 3,7 triệu tấn vào năm ngoái. Nhu cầu nội địa năm 2017/18 (kết thúc vào tháng 5) tăng 4% lên 6,7 triệu tấn.

Bangladesh sẽ tăng sản lượng gạo nhiều nhất thế giới

Năm 2018/19, Bangladesh dự kiến sẽ tăng 500.000 ha trồng lúa lên gần kỷ lục cao, 11,77 triệu ha, một trong những lý do khiến sản lượng gạo thế giới sẽ lập kỷ lục cao mới. Nếu so sánh, diện tích trồng lúa của cả nước Mỹ chỉ đạt 1 triệu ha. Lý do khiến diện tích lúa năm nay tăng mạnh là bởi năm vừa qua thị trường gạo tại Bangladesh sốt nóng quá mức, giá tăng vọt sau khi sản lượng giảm bởi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng mùa màng.

Nhà kinh tế cấp cao của Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ông Dr. Nathan Childs, dự kiến Bangladesh sẽ là nước có sản lượng tăng nhiều thứ 2 trên thế giới, lên 34,7 triệu tấn, cao hơn 6,3% so với niên vụ trước. Nước sẽ có sản lượng tăng nhiều nhất dự báo là Madagascar, tăng 18,8%.

Sản lượng gạo Mỹ dự kiến sẽ tăng 14% lên 6,45 triệu tấn. Trong khi sản lượng của Bangladesh, Burma, Cambodia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines dự báo tăng thì của Brazil, China, Colombia, Ecuador, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Hàn Quốc, Pakistan và Venezuela dự báo giảm trong niên vụ 2018/19 so với 2017/18.

Theo vinanet