Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu mặt hàng nếp gấp 10 lần
Năm 2017, nếp xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, phần lớn xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vừa tăng thuế nhập khẩu mặt hàng nếp gấp 10 lần (từ 5% lên 50%), khiến nếp Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở thị trường này.

Dựng hàng rào thuế

Trước đây, Trung Quốc áp dụng hạn ngạch (quota) đối với sản phẩm nếp; nếp xuất khẩu vào Trung Quốc phải mua quota với giá 20 USD/tấn và thêm 1% thuế lương thực. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc tăng giá bán quota lên tới 120 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp không mua quota sẽ phải chịu mức thế nhập khẩu 50%, trước đây mức thuế này là 5%. Việc áp thuế bắt từ đầu tháng 7.2018.

Động thái đánh thuế của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nếp của Việt Nam, trong đó có An Giang - tỉnh trồng nếp lớn nhất ĐBSCL. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập 892.000 tấn gạo từ Việt Nam, giảm 27% so cùng kỳ năm 2017. Sự sụt giảm này chủ yếu nằm ở phân khúc nếp do rào cản thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường lớn, có nét tương đồng về văn hóa, sản lượng nếp của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc, hiện doanh nghiệp đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nếp sang các thị trường khác.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nhận xét: Trung Quốc đánh thuế lên nếp của Việt Nam một cách vô lý và mức rất cao. Đây là vấn đề cấp Bộ và Chính phủ, cần liên hệ với phía Trung Quốc để làm rõ nguyên nhân cũng như cơ sở nào để ra những quy định, rào cản như vậy. Vì khi đã là thành viên của WTO chúng ta phải tuân thủ luật chơi chung và tận dụng những quy định của tổ chức để bảo vệ lợi ích của mình. Ngay cả việc Mỹ đánh thuế vô lý đối với cá tra Việt Nam chúng ta cũng đã tiến hành kiện họ.

“Sắp tới chúng tôi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng sẽ kiến nghị với các cơ quan Trung Ương tiếp tục đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc về vấn đề này”, ông Thư nói.

Chủ động điều tiết

An Giang có 2 vùng chuyên canh nếp là Phú Tân khoảng 25.000 ha và Châu Phú 10.000 ha, sản lượng vào khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm. Vào lúc cao điểm giá lúa nếp lên tới 7.500 đồng/kg. Người dân một số tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang lấy giống về trồng dẫn đến sản lượng tăng mạnh. Ông Trần Anh Thư cho biết: Ý thức được rủi ro này tỉnh An Giang đã tiến hành xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lúa nếp của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng làm việc với các địa phương về vấn đề này để tránh rủi ro về dài hạn. Trước nguy cơ dư cung, từ năm ngoái An Giang đã chủ động “co” phần diện tích sản xuất lúa nếp lại. Chỉ sản xuất ở vùng chuyên canh Phú Tân, còn Châu Phú chuyển sang trồng lúa Nhật. Trong vụ thu đông này, vùng chuyên canh Phú Tân cũng chủ động giảm diện tích và tiến hành xả lũ. “Chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu các rủi ro thị trường đến mức thấp nhất”, ông Thư cho biết.

Mặc dù vậy, đó chỉ là giải pháp tình thế. Bởi thị trường Trung Quốc chiếm dung lượng quá lớn nên gặp khó ở đây, dù chuyển hướng các thị trường khác cũng khó lòng tiêu thụ hết được. Một số chuyên gia cho rằng, một lượng rất lớn nếp nhập từ Việt Nam được Trung Quốc chế biến thành bột nếp. Chính vì vậy về lâu dài các doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến bột nếp để đa dạng hóa sản phẩm.

 (Theo Báo Thanh Niên)