Tỉnh An Giang vừa ban hành quyết định Phê duyệt kế hoạch phát triển thủy sản bền vững từ nay đến 2020, định hướng đến 2025
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành quyết định số 3115/QĐ-UBND, ngày 20/10/2017 về Phê duyệt kế hoạch phát triển thủy sản bền vững tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến 2020, định hướng đến 2025.

Responsive image
 

Với mục tiêu là phát triển thủy sản theo quy hoạch, quy mô sản xuất công nghiệp, sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng theo yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; Sản xuất thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và đồng thời thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng; Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao trình độ lao động của nông dân, tăng dần mức độ hưởng lợi từ các dịch vụ cơ bản của khu vực dân cư nông thôn; Đóng góp trên 30% trong việc tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,71%.

- Đối với các sản phẩm chủ lực:

+ Cá Tra thực hiện đền án: Đề án vùng chuyên canh sản xuất cá tra tỉnh An Giang đến năm 2020; Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang; Chuỗi liên kết tiêu thụ từ sản xuất giống đến tiêu thụ xuất khẩu.

+ Cá Rô phi, Điêu hồng: Dự án chọn tạo đàn cá rô phi điêu hồng bố mẹ chất lượng đến năm 2020; Phát triển hình thành các vùng lồng bè nuôi cá rô phi, điêu hồng chất lượng cao; Chuỗi liên kết tiêu thụ từ sản xuất giống đến tiêu thụ xuất khẩu

+ Tôm càng xanh: Đề án vùng chuyên canh sản xuất tôm càng xanh tỉnh An Giang đến năm 2020; Dự án xã hội hóa sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đến năm 2020; Chuỗi liên kết tiêu thụ từ sản xuất giống đến tiêu thụ.

- Đối với các sản phẩm thủy sản tiềm năng: cá lóc, cá nàng hai, lươn,... Tùy theo tình hình phát triển thủy sản của tỉnh, nếu các đối tượng thủy sản tiềm năng hoặc các đối tượng thủy sản khác có thị trường tiêu thụ tốt có thể chuyển đổi thành các đối tượng chủ lực và thực hiện: Nghiên cứu, chuyển giao, chọn lọc đàn cá bố mẹ chất lượng, chủ động quy trình công nghệ sản xuất giống chất lượng cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm của tỉnh; Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất giống, nuôi thương phẩm tập trung ứng dụng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, giải pháp tổng hợp giảm giá thành sản phẩm đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ từ sản xuất giống đến tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu, các cơ sở nuôi tham gia chuỗi liên kết phải áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế.

* Về thị trường: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt chất lượng, tìm kiếm thị trường phát triển các sản phẩm thủy sản tiềm năng của tỉnh; Tham gia các diễn đàn kinh tế thương mại trong và ngoài nước, kết nối với các doanh nghiệp có tiềm lực tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng nuôi các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định và đem lại hiệu quả cao cho nông dân.

* Về Thu hút đầu tư:  Ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao, quy mô công nghiệp,áp dụng các công nghệ tiên tiến, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường;  Chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất thủy sản ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao chất lượng của chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị tiêu thụ của các sản phẩm thủy sản, đảm bảo đạt được mức lợi nhận tốt nhất.

* Về Khoa học công nghệ và nhân lực:

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng; nghiên cứu và nhân rộng mô hình nuôi cá tra hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cá tra xuất khẩu…

- Đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả các nguồn của trung ương, của tỉnh, của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế…

- Ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi tiếp cận công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuyển giao các công nghệ chế biến tiên tiến, các công nghệ về xử lý nước thải bảo vệ môi trường…

Kế hoạch này làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các Kế hoạch, Đề án, dự án, Chương trình phục vụ cho phát triển thủy sản bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.