Cá tra chuẩn từ vùng nuôi để tìm cơ hội
Trên thị trường cá tra xuất khẩu (XK), dù vẫn chưa hết khó khăn nhưng cơ cấu tỷ trọng thị trường một số nước đã có sự thay đổi. Trước dự báo đến quí I/2017 XK cá tra tăng 20%, vùng nuôi cá tra cần phải làm gì để tránh tăng trưởng nóng?

Nguồn cung giảm, giá tăng

Hiện nay nguồn cung cá tra nguyên liệu thấp điểm, tăng giá với mức 22.000 - 23.000 đồng/kg kéo dài từ tháng 10/2016 đến nay. Một số địa phương bắt đầu vào vụ thả giống.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, HTX Thủy sản Thới An, quận Ô Môn - Cần Thơ, cho biết: Vào thời điểm này do giao mùa cuối vụ cá tra giống nên hút hàng, giá tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Tháng 1/2017 vừa qua, Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết có 184ha thả nuôi cá tra mới, giảm 39% so với cùng kỳ. Trước hiện trạng nguồn cung giảm, giá cá tra nguyên liệu cao hơn giá thành nuôi cá khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng qua thăm dò người nuôi cá tra ở các tỉnh trong vùng cho biết sẽ không có hiện tượng người nuôi cá tự phát thả nuôi ào ạt trở lại như những năm trước, bởi nhiều lý do: Yêu cầu ao nuôi có cấp mã số, nuôi cá theo chuẩn VietGAP... Đặc biệt để tránh rủi ro, nuôi cá cần có hợp đồng liên kết, tiêu thụ với DN.

Trở ngại mới, cần chuẩn từ vùng nuôi

Trước khó khăn mới cũng như các vụ kiện phá giá, trở ngại về hàng rào kỹ thuật đối với ngành hàng thủy sản đã từng xảy ra ở thị trường một số nước trong thời gian qua, một số DN chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, cho rằng: Giá cá tra nguyên liệu tăng thời gian qua phản ánh đúng thực tế cung - cầu. Hiện nay sức cung thấp nên giá cá tăng là đúng quy luật.

Mặt khác, lợi thế lớn nhất vừa qua chính là sắp xếp lại “đội hình” SX theo Nghị định 36/CP. Đến cuối năm 2016 có 4 tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp đã ban hành quy hoạch vùng nuôi cá tra; các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và TP Cần Thơ đã hoàn thiện công tác rà soát quy hoạch chờ phê duyệt.

Đến nay có trên 4.700 ao nuôi được cấp mã số nhận diện và cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu. Đáng chú ý về áp dụng thực hành tốt nuôi thủy sản, đến tháng 9/2016 có 3.000ha nuôi cá tra, chiếm 60% diện tích được chứng nhận GAP và các tiêu chuẩn tương đương, trong đó có hơn 960ha đạt chứng nhận VietGAP.

Việc sắp xếp ao nuôi, cấp mã số quả là việc cần làm để kiểm soát chất lượng và thuận lợi truy xuất nguồn gốc, quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó cơ quan chuyên trách quản lý quy hoạch, lên kế hoạch SX cần tính toán thống kê sức mua đáp ứng phù hợp theo mức độ thâm nhập ở từng thị trường XK, tạo lợi thế ổn định cho ngành hàng cá tra.

Trích nguồn: Nông Nghip VN