Đa dạng sản phẩm cá tra để phát triển bền vững
Theo Tổng cục Thủy sản, ước diện tích nuôi cá tra cả năm 2016 đạt gần 5.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,67 tỷ USD; so với năm 2015, theo thứ tự tăng 9% và 6,6%, nhưng chuỗi giá trị của sản phẩm chủ lực quốc gia vẫn còn nhiều bấp bênh.

Thiếu liên kết

Vùng ĐBSCL trước đây có 10 tỉnh nuôi cá tra, nhưng năm nay Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết tỉnh Kiên Giang không còn nuôi, tỉnh Sóc Trăng chỉ nuôi 2ha. Hai tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long giảm diện tích và sản lượng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác tăng diện tích và sản lượng nên theo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 30-11-2016, diện tích nuôi cá tra ĐBSCL đạt 4.552ha, sản lượng đã thu hoạch 1,047 triệu tấn. So với cùng kỳ 2015, diện tích tăng 3,1% nhưng sản lượng lại tăng đến 8,9%, do tăng kích cỡ cá thu hoạch để bán sang thị trường Trung Quốc.

Tổng cục Thủy sản cũng dự đoán, thị trường Trung Quốc-Hong Kong có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 và thị trường này sẽ vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất. Tuy nhiên, Hiệp hội cá tra lo lắng “thị trường Trung Quốc đang có mức tăng trưởng khá cao nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt, giải thích việc Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu cá tra Việt Nam do là sản phẩm có giá rẻ nhất, không có sản phẩm nào rẻ hơn. “Sắp tới, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ vượt 400 triệu USD”. Tổng cục Thủy sản cho biết tính đến cuối năm 2016, diện tích nuôi của doanh nghiệp chiếm 51,95%, còn lại của cá nhân và tập thể. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi chưa nhiều và chưa hoàn chỉnh, các hộ nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sau khi thu hoạch cá đã không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo.

Cần đa dạng sản phẩm

Theo nhận định của ngành hải quan, cá tra năm 2016 xuất khẩu với 35 loại sản phẩm. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là cá tra đông lạnh, chiếm đến 99,2% kim ngạch; còn lại tỷ lệ quá nhỏ cá tra chế biến (cá tra tẩm gia vị, cá tra tẩm bột, cá tra cuộn hoa hồng và cá tra xiên que…). Đây là một yếu kém của ngành sản xuất cá tra.

Một nghiên cứu của các chuyên gia ở Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm TPHCM) cho biết, thịt phi lê chỉ chiếm khoảng 36% trọng lượng con cá. Còn lại 64% trọng lượng con cá thường được gọi là phụ phẩm, thậm chí là phế phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chưa được quan tâm chế biến thành sản phẩm có chất lượng. Với sản lượng cá tra một năm trên 1 triệu tấn, tiềm năng chưa được khai thác còn rất lớn.

Tổng cục Thủy sản xác định chiến lược vượt lên là “đa dạng sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm giá trị gia tăng”. Khuyến khích phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao để cải thiện hình ảnh và giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam, bên cạnh đó tận dụng hiệu quả phụ phẩm để khai thác tiềm năng, gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm mới. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để đa dạng sản phẩm, đồng thời qua đó làm đầu mối của chuỗi giá trị mới.

Trích nguồn :vasep.com.vn