Xuất khẩu gạo: Tập trung vào những chủng loại có thế mạnh
Tình hình xuất khẩu (XK) gạo năm 2017 được đánh giá sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện, tuy vậy một số mặt hàng vẫn có tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao như gạo nếp, gạo thơm... Theo các chuyên gia, đầu tư cho các chủng loại có thế mạnh là giải pháp giúp XK gạo vượt qua khó khăn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2016, trong khi hầu hết các chủng loại gạo XK đều tăng trưởng âm thì lượng XK gạo nếp đã đạt tới 1,02 triệu tấn, chiếm 20,9% tỷ trọng XK của toàn ngành và tăng trên 96% so với năm 2015. Bên cạnh sản lượng XK tăng mạnh, giá gạo nếp XK bình quân năm 2016 cũng đạt tới 501 USD/tấn, tăng 36 USD/tấn so với năm 2015 và là loại gạo có giá trị XK tăng mạnh nhất so với các chủng loại gạo khác.

Năm 2017, kim ngạch XK gạo nếp được dự báo sẽ tăng lên khi nhu cầu sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc vẫn khá lớn. Ngoài ra, gạo thơm chất lượng cao được dự báo vẫn có tiềm năng lớn do giá cạnh tranh tốt hơn so với gạo thơm cùng loại của các nước khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp gạo thơm Việt Nam cạnh tranh được tại nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực có nhu cầu lớn về lượng và cần sự cạnh tranh về giá như châu Phi.

Cần đầu tư bài bản

Mặc dù có kim ngạch XK duy trì đều đặn nhưng hiện các loại gạo thơm, gạo nếp chất lượng của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 30% sản lượng gạo XK mỗi năm. Theo các chuyên gia, đầu tư cho các chủng loại có thế mạnh là giải pháp giúp XK gạo vượt qua khó khăn, cần chủ động đầu tư vào vùng nguyên liệu chất lượng cao, đồng bộ,  đồng thời kiểm soát chất lượng gạo, từ giống lúa đến dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo gạo xuất khẩu đạt chất lượng tốt.

Trích nguồn: baocongthuong.com.vn