Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo
Năm 2016, xuất khẩu gạo của cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Lượng gạo xuất trong năm chỉ đạt 4,9 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,2 tỉ USD (giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015), trong đó các doanh nghiệp tỉnh An Giang xuất trên 400 ngàn tấn, đạt trên 178 triệu USD.

Bãi bỏ quy định “lỗi thời”

Ngày 4-1-2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo đó, các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo (ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT) đã chính thức bãi bỏ. “Việc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với tình hình xuất khẩu gạo hiện nay mà Bộ Công thương đã ký tạo được sự đồng thuận rất lớn cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo. Bởi, theo các văn bản này, ngành Công thương khống chế số lượng đầu mối trong xuất khẩu gạo (tối đa) của Việt Nam chỉ 150. Quy định cũng khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo…

An Giang là một trong 2 tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất nước. Song, số doanh nghiệp quốc doanh (trước đây) hoặc tư nhân tham gia xuất khẩu gạo trong hơn 20 năm qua cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nguyên nhân của vấn đề trên do ngành nghề kinh doanh này được quy định thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cụ thể, doanh nghiệp phải có ít nhất 1 kho chuyên dụng có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa, gạo có công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố, nơi có nguyên liệu xuất khẩu (hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu lúa, gạo tại thời điểm thương nhân xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo và một số điều kiện khác...”

Bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, điều đó đồng nghĩa với việc từ nay, doanh nghiệp bớt đi một thủ tục là “xin vào” quy hoạch thì mới được tham gia xuất khẩu gạo. Bãi bỏ quy định không phù hợp đã tạo ra một sự bình đẵng giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên lĩnh vực này.

Củng cố chất lượng

Những diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy,  đã đến lúc các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu, cần nhìn nhận lại chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình, bắt tay ngay vào việc củng cố chất lượng cũng như việc định dạng lại sản lượng xuất khẩu, để qua đó gạo Việt Nam có giá xuất tốt; xuất được nhiều ở phân khúc cấp cao hơn, củng cố chất lượng hạt gạo để xóa bỏ “nghịch lý” người Việt ăn gạo Thái, gạo Campuchia. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó có việc ủng hộ, tìm mua các loại gạo do nông dân Việt Nam sản xuất. Việc làm này góp phần giúp cho việc tiêu thụ lúa gạo tốt hơn, đời sống người làm ra hạt lúa ngày một cao hơn.

Theo baoangiang.com.vn