Giá trị cá tra ẩn giấu ở công nghệ
Theo nhiều chuyên gia, để ngành cá tra phát triển bền vững phải chú trọng công nghiệp chế biến hiện đại, đổi mới và đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng, khai thác tiềm năng nguyên liệu cá tra còn rất lớn tại ĐBSCL.

Tham dự Hội chợ Triển lãm Thực phẩm xuất khẩu tại Las Vegas (Mỹ). Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn bày tỏ: “Cá tra, basa là loài đặc sản của ĐBSCL nên tinh dầu mỡ cá tạo được sự độc đáo cho gian hàng, thu hút rất nhiều khách hàng đến tìm hiểu và đặt mối quan hệ dài lâu”.

Ngoài tinh luyện dầu cá, từ mỡ cá thô còn tinh luyện thành các loại sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng để phục vụ người tiêu dùng được xem là những sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường thế giới. Cho nên, đó là dòng sản phẩm mới, đặc trưng của Tập đoàn Sao Mai. Dòng sản phẩm ra đời cũng minh chứng cho sự đột phá về công nghệ tinh luyện dầu cá của doanh nghiệp Việt Nam.

Tiềm năng và công nghệ

Tiến sĩ Lê Trung Thiên và Nguyễn Anh Trinh ở Khoa Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính cách gọi phụ phẩm trong chế biến fillet đông lạnh đã thể hiện một quan niệm lạc hậu. Bởi vì những thứ gọi là phụ phẩm ấy chiếm phần lớn trọng lượng con cá và có gia trị dinh dưỡng cao, đều có thể chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng để nâng cao giá trị con cá.

Cụ thể, một con cá tra, fillet chỉ chiếm khoảng 36% trọng lượng con cá. Còn lại: đầu cá chiếm khoảng 17%, vây 12%, xương 11%, thịt bụng 7%, thịt vụn 6%, da gần 5%, mỡ gần 3%, bong bóng gần 2%, máu gần 2%, gan hơn 1%, bao tử gần 1%, và ruột, tim… Một năm ĐBSCL nuôi khoảng 1 triệu tấn cá tra, nên các bộ phận của con cá như vừa nêu có sản lượng rất lớn. Cũng có nghĩa, tiềm năng phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra còn rất lớn.

Để khai thác được tiềm năng con cá tra, theo các chuyên gia, cần công nghệ chế biến hiện đại. “Công nghệ chế biến cá tra ở nước ta so với thế giới còn thua kém nhiều, mới ở mức đơn giản”, Tiến sĩ Lê Trung Thiên nhận xét. Theo ông Thiên, riêng việc giết con cá, có nhiều công nghệ tiên tiến để không làm giảm chất lượng. Hoặc trong chế biến fillet, không chỉ đông lạnh mà còn sấy khô với rất nhiều phương pháp, rã đông không chỉ theo phương pháp truyền thống mà còn bằng vi sóng để giảm thời gian, ít ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm...

Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm mới, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư thị trường và đào tạo nhân lực. Trở ngại lớn nhất hiện nay lại ở tư duy, hầu hết các doanh nghiệp chú trọng duy trì sản phẩm truyền thống hơn phát triển sản phẩm mới.

Theo Thủy sản Việt Nam